Theo phản ánh của người dân xã Đăk Rơ Nga huyện Đăk Tô, Kon Tum, thủy điện Plei Kần (công ty Cổ phần Tấn Phát) tích nước gây ngập trên diện rộng ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của hơn 70 hộ dân nơi đây.
Dù người dân phản ánh suốt thời gian dài nhưng phía chủ đầu tư thủy điện vẫn "án binh bất động" khiến người dân bức xúc.
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, việc tích nước của thủy điện đã gây ngập tuyến đường dẫn vào khu sản xuất của 70 hộ dân thuộc làng Đăk Dé, có diện tích hơn 300 ha.
Con đường dân sinh đã chìm sâu dưới mực nước thủy điện. Người dân phải dùng bè tre để vận chuyển nhu yếu phẩm cũng như nông sản ra ngoài.
Trao đổi với PV, ông Ngọc Văn Hồng (trú thôn Đăk Dé) cho biết, gia đình canh tác hơn 10 ha đất tại khu sản xuất này. Mỗi ngày gia đình thu khoảng 3-4 tạ mủ cao su.
Tuy nhiên, từ khi thủy điện tích nước, con đường độc đạo bị ngập sâu quá đầu người. Mủ cao su, cà phê của gia đình ông sau thu hoạch không thể vận chuyển ra ngoài nên đang phải chất đống trong vườn.
Anh A Ram (làng Đăk Dé, xã Đăk Rơ Nga) thông tin, gia đình anh canh tác 16 ha cao su, 3 ha cà phê tại khu sản xuất.
Khi thủy điện tích nước, dòng suối qua ngầm Đăk Kon dâng cao. Con đường độc đạo vào khu sản xuất cũng bị nhấn chìm. Không còn đường đi, nhiều ngày qua lượng lớn mủ cao su của gia đình không thể xuất bán.
"Gia đình tôi đang thuê 9 nhân công cạo mủ cao su với mức lương 6 triệu đồng mỗi tháng. Từ khi thủy điện tích nước, số mủ cao su của tôi không thể vận chuyển ra ngoài bán. Tình hình này kéo dài gia đình tôi không biết làm thế nào nữa", anh A Ram nói.
Nói về vụ việc này, ông Lâm Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã đã mời đại diện chủ đầu tư thủy điện đến làm việc.
"Trong buổi làm việc, UBND xã yêu cầu công ty chấm dứt ngay việc tích nước, xử lý dứt điểm đoạn đường bị ngập. Quan điểm của chúng tôi là thủy điện phải dừng ngay việc tích nước, sửa chữa nâng cao đoạn đường bị ngập. Sau khi đã xử lý xong thì thủy điện mới được tích nước trở lại", ông Hiển nói.
Ông Phan Văn Tuân, Chánh văn phòng UBND huyện Đăk Tô cũng khẳng định, sau khi nhận được báo cáo của xã Đăk Rơ Nga, UBND huyện đã mời đại diện công ty Cổ phần Tấn Phát lên làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty này cam kết sẽ mở con đường mới dẫn vào khu sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, hiện tại đang vào mùa mưa nên Công ty này chưa thể triển khai xây dựng tuyến đường. Hiện, UBND huyện đang yêu cầu Công ty dừng việc tích nước để người dân ổn định canh tác.
Liên quan đến vấn đề này, sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã có công văn đề nghị công ty Cổ phần Tấn Phát chỉ được phép tích nước hồ chứa công trình Thuỷ điện Plei Kần sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, công ty Cổ phần Tấn Phát cần khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng lựa chọn phương án làm đường đảm bảo việc đi lại và vận chuyển nông sản qua lại khu vực lòng hồ.
Ngoài ra, sở Công Thương Kon Tum đề nghị Công ty nhanh chóng phối hợp với chính quyền kiểm kê, rà soát toàn bộ khối lượng hoa màu, diện tích đất bị ngập phát sinh và thực hiện bồi thường, hỗ trợ thoả đáng cho người dân theo quy định.
Trước đó, tại dự án thủy điện Plei Kần, 6 công nhân đang thi công bị rơi xuống cửa xả nước. Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương. Vụ việc nãy vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.