Các nhà khoa học cho hay họ đã tiến hành khảo sát và thu thập từ các số liệu bao gồm thói quen hút thuốc, uống rượu, chỉ số huyết áp, chỉ số khối cơ thể, trình độ giáo dục.
Những người tham gia được chia thành hai nhóm: Nhóm đang hút thuốc và nhóm không hút thuốc.
Những người đang hút thuốc được phân loại theo số điếu thuốc hút mỗi ngày: nhẹ (dưới 10 điếu), trung bình (từ 10 đến 19 điếu), nặng (trên 20 điếu).
Kết quả cho thấy những người hay sử dụng thuốc lá có nguy cơ tử vong do tình trạng xuất huyết dưới lớp màng bao bọc não.
So với những người không hút thuốc, nguy cơ chảy máu não gây tử vong cao hơn gấp 3 lần ở những người hút thuốc nặng và trung bình, và cao hơn gấp 2,8 lần ở những người hút thuốc nhẹ.
Điểm hạn chế của nghiên cứu là các nhà khoa học phân vân rằng có thực nguồn gốc của chảy máu não có phải do chứng phình động mạch hay không. Vì vậy, họ không thể đánh giá tác động của việc hút thuốc trong quá khứ đối với nguy cơ chảy máu não.
Những người hút thuốc có cấu trúc não khác với những người chưa từng hút thuốc. Người hút thuốc có phần thùy não trước trái mỏng hơn, đây là phần não được cho rằng có liên quan đến khả năng nghiện của cơ thể.
Nguyên nhân được xác định là các chất độc trong khói thuốc lá (nicotine) ban đầu sẽ kích hoạt các chất truyền dẫn thần kinh trung gian gây tỉnh táo, thư giãn nhưng nếu hút thuốc thường xuyên thì các thành mạch máu bị tổn thương.
Đây là mầm mống gây ra chứng xơ vữa thành mạch máu làm nguy cơ tai biến mạch máu não tăng lên gấp đôi. Nguy cơ tai biến mạch máu não càng tăng cao đối với những người từng có tiền sử mắc bệnh về huyết áp hoặc hút thuốc trong thời gian dài.
Từ những kết quả thu được, các nhà khoa học kết luận với thời gian và cường độ hút thuốc càng lớn thì lớp vỏ não sẽ càng mỏng đi, và do đó khả năng mắc nghiện sẽ càng cao.
Thói quen không hút thuốc hoặc bỏ thuốc nếu bạn đã bắt đầu sử dụng nó là biện pháp phòng ngừa quan trọng để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ do chảy máu não!
Trang Dung (Nguồn Medical Technology)