Tiềm năng – lợi thế vượt trội: Lào Cai – Cửa ngõ giao thương quốc tế năng động

Thứ 6, 30/05/2025 10:56

Lào Cai có đường biên giới dài hơn 180 km, giáp tỉnh Vân Nam, một trong những địa bàn phát triển kinh tế sôi động của Trung Quốc. Lào Cai đã trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa sôi động giữa hai quốc gia và giữa các nước khu vực Đông Nam Á với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Lào Cai, nơi "sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh", với bề dày truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đa dạng từ quá khứ đến hiện tại luôn được chọn làm trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính của khu vực; nơi hội tụ, kiến tạo không gian phát triển rộng lớn

Lào Cai nằm ở vị trí chiến lược trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, một trong những tuyến giao thương quan trọng bậc nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, kết nối sâu rộng với khu vực ASEAN và thị trường toàn cầu. Với vị trí là tỉnh biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai được ví như "cửa ngõ phía Tây Bắc" của đất nước – nơi giao thoa của kinh tế, văn hóa và hợp tác quốc tế.

Tỉnh hiện có Cửa khẩu quốc tế Lào Cai – một trong những cửa khẩu đường bộ lớn và sôi động nhất cả nước, cùng với hệ thống cửa khẩu phụ như Mường Khương, Bản Vược, Pha Long, Y Tý… tạo nên mạng lưới giao thương biên mậu nhộn nhịp, góp phần đưa Lào Cai trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn, có vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng, logistics và thương mại biên giới Việt – Trung.

C:\Users\Admin\Downloads\Ảnh Lào Cai bài 3.jpg

Hàng hóa xuất - nhập khẩu tại Cửa khẩu Kim Thành.

Cùng với lợi thế địa lý, hạ tầng giao thông tại Lào Cai đang không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Lào Cai chỉ còn khoảng 3 tiếng, mở rộng kết nối liên vùng nhanh chóng và hiệu quả. Tiềm năng phát triển ngoại thương tiếp tục được nhân lên khi Dự án xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được Quốc hội phê duyệt đầu tư, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang trong quá trình nâng cấp từ 2 lên 4 làn xe (đoạn từ Yên Bái tới Lào Cai) và các trục giao thông kết nối từ Lào Cai tới các tỉnh lân cận như Hà Giang, Lai Châu; đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên được triển khai, dự kiến hoàn thành cuối quý 3/2025, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Vị trí địa lý và hạ tầng giao thông đang giúp tỉnh Lào Cai khẳng định và củng cố vững chắc vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; trung tâm logistics trong khu vực với sự kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Cùng với những lợi thế trên, Lào Cai còn có lợi thế với một số tiểu vùng khí hậu đặc trưng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thủy sản đặc hữu, như cá nước lạnh, rau, củ, quả, cây dược liệu ôn đới, bán ôn đới. Khí hậu và điều kiện tự nhiên, nền văn hóa đậm bản sắc đưa Lào Cai trở thành vùng đất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, mà nổi bật là Khu du lịch quốc gia Sa Pa đang xác lập các tiêu chí khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

C:\Users\Admin\Downloads\Ảnh bài 3 Lào Cai.jpg

Mục tiêu đến năm 2030, Lào Cai sẽ đón 15 triệu du khách (trong tổng số dự kiến 30 triệu du khách đến vùng)

Lào Cai đang tiến hành các bước quy hoạch chiến lược, tầm nhìn đối với các khu du lịch tiềm năng như Y Tý (huyện Bát Xát), khu du lịch huyện Bắc Hà, các điểm du lịch văn hóa tại huyện Bảo Yên. Riêng năm 2024, tỉnh Lào Cai đã đón hơn 8 triệu lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, chiêm bái; doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, dư địa, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh rất dồi dào, Lào Cai được đánh giá hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là tiềm năng đầu tư vào hạ tầng du lịch, các khu, điểm nghỉ dưỡng và phát triển dịch vụ du lịch.

Với nhiều lợi thế so sánh, tiềm năng to lớn, Lào Cai càng trở nên hấp dẫn hơn khi địa phương phát huy truyền thống "trải thảm đỏ", tăng cường chiến lược thu hút, mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu môi trường sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội phát triển với khẩu hiệu lan tỏa mạnh là "Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển". Để hiện thực hóa, tỉnh Lào Cai tiếp tục nhất quán chủ trương, thực hiện chính sách ưu đãi về điều kiện đất đai, thuế quan, hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực nhằm khai thông, thu hút ngày càng lớn hơn nguồn lực từ các kênh đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, tỉnh luôn khích lệ dòng vốn đầu tư có sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, các dự án tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương. Đồng hành với nhà đầu tư, tỉnh Lào Cai áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao nhất về quyền lợi. Tỉnh cam kết trước nhà đầu tư, tùy theo quy mô, tính chất từng dự án và trên cơ sở xem xét đề nghị của các doanh nghiệp mà vận dụng, ban hành cơ chế hỗ trợ cụ thể, nhất là với những dự án quy mô lớn, có khả năng đóng góp tích cực, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Với tầm nhìn chiến lược và lợi thế đặc biệt này, Lào Cai đang từng bước khẳng định vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế năng động, trung tâm liên kết vùng và điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư và giao lưu văn hóa quốc tế.

Thủy Tiên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.