Tiến độ 2 dự án bệnh viện gây lãng phí nguồn lực

Tiến độ 2 dự án bệnh viện gây lãng phí nguồn lực

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 08/08/2022 19:35

“Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1-2 năm mà diễn ra trong cả giai đoạn”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai chia sẻ.

Bộ Y tế có làm tiếp 2 dự án?

Ngày 8/8, đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế.

Tiêu điểm - Tiến độ 2 dự án bệnh viện gây lãng phí nguồn lực

Quang cảnh buổi làm việc.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các cơ quan, tổ chức, đến năm 2021 Bộ Y tế đã giao khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho 100% đơn vị hành chính thuộc Bộ; giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 100% đơn vị.

Đối với công tác cải cách hành chính, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế đã rà soát, chuẩn hóa và bãi bỏ gần 200 thủ tục hành chính; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153 quy định thủ tục hành chính và 14 quy định về điều kiện kinh doanh với tổng chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tiết kiệm ước tính khoảng 570 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện hoạt động đấu thầu đã chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hành thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, các gói thầu đều giảm được giá so với giá trúng thầu hiện tại của các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng sắp xếp, tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc từ 82 còn 80 đơn vị…

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa ý thức được việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên của cơ quan; chưa đưa vào Nghị quyết của cơ quan, của tổ chức Đảng tại cơ quan.

Tiêu điểm - Tiến độ 2 dự án bệnh viện gây lãng phí nguồn lực (Hình 2).

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin tại buổi làm việc.

Việc thực hành tiết kiệm chưa gắn với việc kiểm tra, giám sát, việc triển khai tại các cơ quan chưa đồng bộ. Việc xây dựng các tiêu chí tiết kiệm còn khó khăn; chưa xây dựng được một bộ tiêu chí tiết kiệm cụ thể và đầy đủ. Việc thực hiện các chế độ báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa được các đơn vị chấp hành đúng quy định; chưa được Thủ trưởng các đơn vị quan tâm…

Tổ công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai làm Tổ trưởng đã làm việc với Bộ Y tế và có báo cáo kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết tiến độ một số dự án còn chậm so với kế hoạch, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước như dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) cũng nêu thực trạng lãng phí tại Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. Đây là 2 dự án được kỳ vọng sẽ giảm quá tải cho hai bệnh viện tại Hà Nội, tuy nhiên đến nay sau nhiều năm triển khai vẫn chưa đưa vào sử dụng. Vấn đề này cũng được cử tri bức xúc, phản ánh nhiều lần.

Đại biểu đề nghị Bộ Y tế làm rõ thời gian tới có tiếp tục xây dựng hai dự án này, nếu có thì khi nào hoàn thành?

Chậm giải ngân vốn đầu tư công

Chia sẻ với ngành y tế và cá nhân Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế mới nhận nhiệm vụ, phải giải quyết nhiều tồn đọng, vướng mắc của ngành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho biết, theo báo cáo của Bộ y tế có 3/10 dự án sử dụng vốn ODA, nhưng vẫn chưa nêu rõ việc sử dụng như thế nào.

Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng kinh phí nghiên cứu đề tài khoa học, giáo dục 5 năm qua đã triển khai bao nhiêu đề tài, có ứng dụng trong thực tế không, kèm theo danh mục các đề tài chưa được nêu rõ trong báo cáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, mục tiêu cuối cùng Quốc hội tiến hành giám sát là đưa ra khuyến nghị về chính sách. Lĩnh vực y tế là điểm nóng, các thành viên Đoàn giám sát muốn lắng nghe trong các chính sách hiện nay đang vướng ở điểm nào, nhưng Báo cáo của Bộ Y tế chưa đưa ra phụ lục, danh mục cụ thể điều khoản nào bất hợp lý gây nên các vướng mắc trong thời gian qua.

“Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1-2 năm mà diễn ra trong cả giai đoạn; Bộ Y tế luôn đứng top đầu của top chậm giải ngân vốn đầu tư công”, bà Vũ Thị Lưu Mai khẳng định.

Có những năm tỉ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ Y tế chỉ đạt 19%, có dự án cả giai đoạn giải ngân chỉ đạt 13%. Bà Vũ Thị Lưu Mai băn khoăn, khi phân bổ nguồn lực, có 2 lĩnh vực được quan tâm là y tế và giáo dục nhưng khi được phân bổ tỷ lệ giải ngân tại ngành Y tế thấp sẽ gây lãng phí rất lớn.

Tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan báo cáo với Đoàn giám sát về một số vấn đề đại biểu nêu, trong đó khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo trên cơ sở bám sát đề cương, bổ sung số liệu, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và kiến nghị cụ thể vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng báo cáo với Đoàn giám sát một số vấn đề liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị ngành y tế; bất cập trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; việc thực hiện tự chủ tại các cơ sở y tế công lập… Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của ngành đến thời điểm này mới đạt 3,1%. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ diễn ra trong năm nay mà trong nhiều năm, liên quan đến nhiệm kỳ trước.

Hiện việc giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vướng mắc tại các dự án xây dựng các bệnh viện, nhất là tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.

Những bất cập tại các dự án này đã vượt thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế, về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Tiêu điểm - Tiến độ 2 dự án bệnh viện gây lãng phí nguồn lực (Hình 3).

Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian qua gây mất niềm tin của Nhân dân trong đó có cán bộ nhân viên ngành y. Tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc (6 tháng năm 2022 gần 10 nghìn viên chức y tế trong bệnh viện công xin thôi việc) là thực trạng đáng quan tâm; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công là vấn đề cần được quan tâm.

Sau buổi này giám sát này, đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đối đa ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, cập nhật đầy đủ số liệu, tài liệu theo yêu cầu của Tổ công tác, các thành viên Đoàn giám sát. Từ góc nhìn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để đánh giá kết quả những việc đã làm được. Bộ Y tế cũng cần nêu rõ cách làm hay, hiệu quả đã triển khai; đánh giá đúng tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm của từng cấp, đề xuất giải pháp khắc phục.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.