"Tiểu chiến tranh" Israel-Hamas: Hai bên đều "vỗ ngực" nhận thắng, vậy kẻ thua cuộc là ai?

"Tiểu chiến tranh" Israel-Hamas: Hai bên đều "vỗ ngực" nhận thắng, vậy kẻ thua cuộc là ai?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 3, 25/05/2021 09:55

Israel và Hamas đều rất nhanh chóng tuyên bố chiến thắng sau lệnh ngừng bắn. Nhưng cả hai bên trong cuộc xung đột dường như đã phóng đại quá mức thành tích của mình.

Tiêu điểm - 'Tiểu chiến tranh' Israel-Hamas: Hai bên đều 'vỗ ngực' nhận thắng, vậy kẻ thua cuộc là ai?

Hamas giành được vị thế lớn hơn sau cuộc chiến.

Phép thắng lợi tinh thần

Khi lệnh ngừng bắn được thiết lập sau 11 ngày đấu hỏa lực dữ dội, Israel và Hamas đều rất nhanh chóng tuyên bố chiến thắng. Rất khó để chỉ ra người thắng, kẻ thua trong cuộc chiến không ai mong muốn ở Gaza - nhưng có những người được hưởng lợi rõ ràng từ biến cố.

Tác động dài hạn có thể đi theo hướng khác nhau, nhưng cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phong trào Hamas đều thể hiện mạnh mẽ hơn so với cuộc xung đột trước đây, theo The Hill.

“Thủ tướng Netanyahu là người chiến thắng”, David Schenker, chuyên gia Trung Đông tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington cho biết.

Cuộc chiến đã chuyển hướng sự chú ý ra khỏi việc ông Netanyahu không thể thành lập chính phủ mới sau bốn cuộc bầu cử bất phân thắng bại trong hai năm ở Israel.

Trong khi đó, Eckart Woertz, giám đốc Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu ở Hamburg, cho rằng người chiến thắng khác cũng có thể gọi tên Hamas.

“Hamas tạo nên hình ảnh đối lập với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, khi thể hiện mình là người bảo vệ lợi ích cho người Palestine ở Bờ Tây và trong mâu thuẫn nội bộ của Palestine”, Woertz nói với đài truyền hình Deutsche Welle.

Mặc dù Hamas bị Mỹ, Liên minh Châu Âu và một số quốc gia Ả Rập gắn mác là tổ chức khủng bố, nhưng sau cuộc chiến này, các thế lực quốc tế đã phải xem xét đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp theo cách nghiêm túc hơn với phong trào này.

Sau lệnh ngừng bắn, ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, từ lâu được coi là một trong những người châu Âu ủng hộ nhất của Israel cũng cho biết cần phải có liên hệ gián tiếp với Hamas. Một số tờ báo nổi tiếng của Ả Rập thì cho rằng Tổng thống Abbas là "người thua cuộc lớn nhất" của cuộc xung đột.

Trái ngược với lợi ích chính trị mà ông Netanyahu được hưởng, bản thân Israel lại đang mất đi phần nào sự ủng hộ. Viết trên tờ Times of Israel, cây bút David Horovitz lưu ý rằng cuộc xung đột đã “làm suy yếu vị thế quốc tế của Israel với nhiều nhà lãnh đạo thế giới và giới định hình quan điểm quốc tế”.

Doug Schoen, một nhà thăm dò ý kiến ​​nổi tiếng của Mỹ đánh giá, mất mát ngoại giao sau cuộc chiến đối với Israel là rất cao. Israel hiện đang phải đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế vì những gì được coi là phản ứng "không cân xứng" đối với việc Hamas bắn tên lửa vào các thị trấn, thành phố của Israel và các mục tiêu dân sự khác.

Phóng đại thành tích

Tiêu điểm - 'Tiểu chiến tranh' Israel-Hamas: Hai bên đều 'vỗ ngực' nhận thắng, vậy kẻ thua cuộc là ai? (Hình 2).

Không có nhiều thay đổi về nội tại cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Về phần mình, quân đội Israel khẳng định một chiến thắng về mặt chiến thuật. Trong cuộc họp giao ban, các sĩ quan Israel cho biết đợt tấn công đã khiến gần 30 chỉ huy cấp cao và một kỹ sư chủ chốt của Hamas tham gia sản xuất tên lửa thiệt mạng, phá hủy gần 1/3 mạng lưới đường hầm và boongke dài 400km, ngăn chặn nỗ lực của Hamas sử dụng đường hầm để đi qua Israel.

Các quan chức Israel cho biết Hamas đã rất sửng sốt trước việc tình báo Israel biết được nhiều thông tin về vị trí và bố cục của mạng lưới đường hầm.

Tuy nhiên, bất chấp khả năng tình báo ấn tượng của Israel, một số nhà phân tích quân sự lưu ý rằng Hamas và các nhóm chiến binh khác vẫn có khoảng 8.000 trong kho vũ khí gồm 30.000 đạn rocket và vài trăm bệ phóng, quá đủ cho các cuộc giao tranh trong tương lai.

“Cả hai bên trong cuộc xung đột đã phóng đại quá mức thành tích”, Aaron David Miller, chuyên gia phân tích Trung Đông, cho biết. “Cả Hamas và Israel đều không đạt được điều gì đó làm thay đổi cơ bản yếu tố thắng/thua của một trong hai”.

Hamas có thể đã nâng cao vị thế của mình nhưng Chính quyền Dân tộc Palestine “vẫn là địa chỉ hợp tác an ninh với Israel ở Bờ Tây và đối với bất kỳ điều gì liên quan đến tiến trình hòa bình”. Vì vậy, Mỹ và các nước khác sẽ kêu gọi thực hiện các bước để củng cố chính quyền Palestine.

Xung đột cũng làm suy yếu các tuyên bố của chính quyền Trump trước đây về Hiệp định Abraham giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Sudan và Morocco, đã làm thay đổi đường viền của cuộc xung đột Ả Rập-Israel.

Những đối thoại viên Ả Rập mới của Israel đóng rất ít vai trò trong chấm dứt bạo lực. Thay vào đó, chính Ai Cập – quốc gia truyền thống ủng hộ Palestine đã giúp duy trì lệnh ngừng bắn.

Trong 14 năm kể từ khi Hamas nắm toàn quyền kiểm soát Gaza, đã có 4 cuộc xung đột nhỏ lớn giữa Israel và Palestine. Lần tàn phá nặng nề nhất là vào năm 2014, khi các báo cáo ghi nhận có 2.200 người Palestine thiệt mạng và 170.000 ngôi nhà bị phá hủy. Nhưng “không có gì thay đổi sau năm 2014”, chuyên gia Miller nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.