Trong suốt lịch sử Trung Quốc, có rất ít phụ nữ có thể khuấy động chính trường, tuy nhiên Từ Hi thái hậu là một trong số đó. Dù rằng danh tiếng của bà không mấy tốt đẹp, đặc biệt đời sống hoang phí của bà bị rất nhiều người chỉ trích. Chỉ cần nhìn vào những yêu cầu trong bữa ăn hằng ngày của Từ Hi, mọi người có lẽ sẽ phải giật mình bởi sự xa hoa của cuộc sống cung đình nhà Thanh hơn 100 năm trước.
Trong triều đình nhà Thanh, bữa ăn của hoàng đế không có giới hạn về kinh phí, tuy nhiên những hoàng tộc khác phải có chế độ chi tiêu cố định. Ví dụ dưới thời Càn Long, tiền ăn của thái hậu được quy định là 60 lạng bạc một ngày. Vậy nhưng từ khi Từ Hi lên nắm quyền, dù trên danh nghĩa là “thái hậu” nhưng địa vị thực tế của bà tương đương với hoàng đế. Vì vậy, tiền ăn hằng ngày của bà không chỉ giới hạn ở 60 lạng bạc, mà vượt lên hơn 100 lượng bạc một ngày.
Từ Hi có nhà bếp riêng trong cung điện của mình, bếp riêng của bà được gọi là “Tây Thiện Phòng” do Thái giám tổng quản quản lý. Trong bếp còn chia ra thành 5 “cục” nhỏ, mỗi cục phụ trách những món ăn riêng biệt.
Trong đó, Cục Huân là bộ phận chuyên nấu những món ăn từ thịt, bao gồm gia súc, hải sản tươi sống và các loại thịt khác.
Cục Tố là nơi chuyên nấu những món ăn chay, chế biến những món được làm từ đậu phụ và các sản phẩm từ đậu nành.
Cục Phạn là bộ phận chuyên nấu các loại ngũ cốc, cháo, cơm và các loại mì khác nhau.
Cục Điểm Tâm là nơi chuyên làm những món dimsum, điểm tâm cho bữa sáng, bữa trưa và bữa tối.
Cục Bột Thực là nơi chuẩn bị bánh ngọt các loại.
Theo quy định, mỗi phòng bếp nhỏ do 3 người phụ trách, đó là đầu bếp, phụ bếp và người chạy việc. Thông thường, mỗi đầu bếp chỉ chuyên về một loại món ăn, thậm chí có người chỉ chuyên làm cố định một hoặc hai món. Trong cung điện của Từ Hi thái hậu nuôi tới cả trăm đầu bếp giỏi nhất trong cả nước để phục vụ bữa ăn hằng ngày cho bà. Mỗi món ăn được nấu ra sẽ có người phụ trách ghi chép lại tên của những người tham gia chế biến.
Để đề phòng, mỗi món ăn sẽ được chuẩn bị 2 phần, một phần dâng lên cho thái hậu dùng, một phần giữ lại để nếu có vấn đề sẽ tra được ngay. Các đầu bếp hoàng gia và thái giám trợ giúp trong Tây Thiện Phòng đều có lịch trình làm việc cố định hàng tháng. Nếu họ giành được sự yêu thích của Từ Hi thái hậu thì sẽ nhận được nhiều lịch trình và phần thưởng cao hơn.
Theo quy định, mỗi ngày Từ Hi thái hậu được phục vụ ba bữa ăn, bao gồm hai bữa chính và một bữa phụ. Bữa sáng được phục vụ vào lúc 6 giờ, bữa trưa từ 1 đến 3 giờ chiều, bữa tối vào khoảng 6 giờ tối. Tuy nhiên, ngoài những bữa ăn cố định này, Từ Hi thái hậu có thể gọi đồ ăn bất cứ lúc nào.
Mỗi khi phục vụ Từ Hi thái hậu, vị thái giám tổng quản đứng đầu phòng bếp sẽ dẫn theo các thái giám khác đứng theo thứ tự, đặt thức ăn lên bàn rồi tiến hành dùng đũa bạc thử các món ăn, nếu đũa bạc chuyển sang màu đen thì có nghĩa là món ăn đó có độc.
Khi thái hậu dùng bữa, các vị thái giám đều phải đứng hầu bên cạnh, chỉ cần Từ Hi nhìn về phía món ăn nào, thái giám lập tức sẽ gắp thêm món đó vào bát cho bà. Từ Hi thường chỉ nếm thử một phần món ăn, phần còn lại sẽ được đưa cho hoàng hậu và các vị phi tần. Đôi khi, những món ăn này còn được tặng cho hoàng gia và quý tộc khác.
Theo ghi chép, Từ Hi thái hậu có “Tứ đại kim cương” và “Năm trăm La Hán” đứng hầu khi ngự thiện. Những người được gọi là “Tứ đại kim cương” là những thái giám cao cấp đứng đầu tứ cung. “Năm trăm La Hán” là năm trăm vị thái giám trẻ đẹp, xếp hàng dài từ cổng chính cung điện đến cửa phòng ăn, có nhiệm vụ truyền bữa ăn cho thái hậu. Mỗi người sẽ cầm theo một chiếc đèn lồng, nhìn từ xa trông giống như một “con rồng lửa” kéo dài tới tận nơi Từ Hi dùng bữa. Bằng cách này, bên trong và bên ngoài sảnh ăn đều được chiếu sáng rực rỡ.
Trong phòng ăn có ba chiếc bàn, tượng trưng cho Thiên (trời), Địa (đất) và Nhân (người). Bàn “Thiên” được đặt ở phía đông, bàn “Địa” ở phía tây, và bàn “Nhân” đặt ở giữa, Từ Hi thái hậu sử dụng chiếc bàn này để dùng bữa. Sau khi Từ Hi an vị, “Tứ đại kim cương” sẽ hành lễ với bà, còn “Năm trăm La Hán” hô to: “Lão Phật gia vạn thọ vô cương”. Giọng nói vang dội truyền khắp hoàng cung, cùng lúc đó, bên ngoài người ta sẽ đốt pháo có chữ “vạn” để âm thanh vang lên không ngừng trong bữa ăn của thái hậu.
Để thêm phần sôi động, những thái giám được huấn luyện đặc biệt sẽ cầm một loại roi được làm từ ruột cừu, liên tục quất roi để tạo thành nhịp điệu. Điều này được cho là có tác dụng để xua đuổi tà ma, trừ tà.
Có ba loại món ăn chính trong bữa tối của Từ Hi. Loại thứ nhất là “món ăn cát tường”, được chế biến đặc biệt cho những ngày lễ hội. Những món ăn này thường được trang trí đẹp mắt, màu sắc rực rỡ, ngay cả những cái tên cũng mang đầy ý nghĩa tốt lành như “Cát tường như ý” hay “Thọ tỉ nam sơn”, …
Loại thứ hai là “Món ăn tiến cống”, trong đó chủ yếu là những món ngon địa phương hoặc nguyên liệu tươi ngon từ khắp mọi miền của đất nước hiến dâng cho hoàng gia. Bên cạnh đó, còn có vô số đặc sản địa phương từ miền núi đến miền biển.
Loại thứ ba là những món ăn theo phong tục trong các ngày lễ lớn.
Mỗi ngày đầu bếp trong cung Từ Hi thái hậu phải chuẩn bị thực đơn cho ba bữa ăn của bà. Thực đơn này yêu cầu không được lặp lại món ăn của bữa trước mà vẫn phải đáp ứng đủ yêu cầu phong phú từ thái hậu. Một bữa ăn cần phải có món lẩu, món ăn chế biến từ yến sào, món nóng, món nguội, đồ chay, đồ mặn, món canh, món ngọt, đồ ăn chính như cơm hoặc mì, thịt, … Từ khi Từ Hi lên nắm quyền lực, tiêu chuẩn ăn uống thông thường của bà là mỗi bữa ăn phải có hơn 100 món.
Cần lưu ý rằng, đây chỉ là những món ăn do đầu bếp trong cung Từ Hi tự chuẩn bị, ngoài ra hoàng đế và các phi tần của ông cũng thường đưa món ăn đến tặng cho Từ Hi như một biểu hiện của lòng hiếu thảo.
Bên cạnh đó, Từ Hi cũng có những yêu cầu đặc biệt đối với bát đĩa sử dụng trong bữa ăn. Bát đĩa phải được trang trí bằng những loại hoa văn khác nhau, có hình rồng hoặc phượng, hoặc phải có dòng chữ “Vạn thọ vô cương”, … để thể hiện sự chúc phúc và may mắn.
Giả sử tiền ăn mỗi ngày của Từ Hi là 100 lạng bạc, theo thời giá lúc bấy giờ bà ta có thể mua được 12.000 cân gạo. Nếu một người bình thường tiêu thụ khoảng 300 cân gạo một năm thì 100 lạng bạc có thể mua được số gạo đủ cho anh ta ăn trong vòng 40 năm. Số tiền đó cũng đủ để nuôi một gia đình nông dân đông con ăn uống thoải mái trong cả năm trời.
HOÀI ANH (Theo QQ)