Tìm giải pháp lưu thông nông sản phía Nam, hướng đến thị trường Tp.HCM

Tìm giải pháp lưu thông nông sản phía Nam, hướng đến thị trường Tp.HCM

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 7, 11/09/2021 15:00

Để tiêu thụ được tại thị trường Tp.HCM, nông sản của nhiều tỉnh, thành phía Nam cần thêm giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là vai trò của Bộ NN&PTNT và các địa phương.

Kết nối giao thương cần cụ thể, chi tiết về nhu cầu nông sản của từng địa phương.

Ngày 11/9, tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thực hiện diễn đàn trực tuyến về thúc đẩy, kết nối cung cầu thực phẩm tươi sống cho Tp.Hồ Chí Minh trong tình hình thực hiện giãn cách phòng chống Covid-19.

Tại diễn đàn, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đề nghị các phương án tháo gỡ nguồn cung, kết nối giao thương cần cụ thể, chi tiết về nhu cầu nông sản của từng địa phương.

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Trần đánh giá: “Các đơn vị tiêu thụ cần đưa yêu cầu cụ thể về mặt hàng tươi sống, chẳng hạn sơ chế hay chế biến như thế nào, để các nhà máy tại Sóc Trăng đẩy nhanh tốc độ sản xuất”.

Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh An Giang nêu lên khó khăn về việc cá tra của địa phương đang tồn nhiều, chuẩn bị quá lứa do các nhà máy không sản xuất được 100% năng suất như trước dịch.

Về tình hình sản xuất, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang đề xuất các ngân hàng hỗ trợ cho nông dân tái đầu tư sản xuất do hiện tại “nông dân đã khá đuối về vốn”.

Tiêu dùng & Dư luận - Tìm giải pháp lưu thông nông sản phía Nam, hướng đến thị trường Tp.HCM

Hình thức "đi chợ hộ" theo combo tại Tp.Hồ Chí Minh đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản từ các tỉnh phía Nam. 

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai thông tin, toàn tỉnh có khoảng 19.000 ha rau đã thu hoạch nhưng cả giá bán và sản lượng tiêu thụ đều giảm do dịch Covid-19.

Thị trường chủ yếu của nông sản tỉnh Gia Lai là Tp.Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tp.Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ nhưng các địa phương đang giãn cách xã hội để phòng dịch dẫn đến tiêu thụ nông sản gặp khó. Sản lượng giảm đến 1/3 trong khi giá giảm từ 20-30%.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai còn khoảng 1.500 ha rau với sản lượng khoảng 25.000 tấn tiếp tục thu hoạch, trong đó khó khăn nhất là mặt hàng rau ngót với số lượng vào khoảng 700 tấn mặc dù đã có nhiều chương trình kết nối cung cầu.

Ngoài ra, còn có hơn 7.500 ha trái cây chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn đang vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng tiêu thụ gặp khó khăn. Một sản phẩm đặc trưng của tỉnh Gia Lai đang gặp khó khăn trong tiêu thụ là khoai lang, với diện tích hơn 1.000 ha, sản lượng hàng nghìn tấn.

Đối với tỉnh Bình Dương, ngành NN&PTNT địa phương cho biết tình hình tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đã được cải thiện qua hình thức combo nhưng số lượng còn hạn chế.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương dẫn chứng tình trạng dư thừa trứng gia cầm khi mỗi ngày đều tồn hơn 2 triệu quả trứng gà và 200.000 quá trứng cút.

Hiện nay, Bình Dương dư thừa khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá đang dư thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Tương tự, đại diện tỉnh Đồng Nai cũng chỉ ra 2 nhóm nông sản nguy cơ khó tiêu thụ là trái cây (dư khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt, 800 tấn củ đậu) và rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn.

Về các sản phẩm chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai đang dư thừa 200.000 con gà lông trắng, 80.000 con vịt, 6.000 con dê, 300.000 con chim cút. Riêng thủy sản dư khoảng 1.000 tấn, trong đó có 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm.

Do đó, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đề nghị các tỉnh và Tp. HCM tạo điều kiện để Đồng Nai sớm đưa những sản phẩm dư thừa trên vào chuỗi tiêu thụ.

Tiêu dùng & Dư luận - Tìm giải pháp lưu thông nông sản phía Nam, hướng đến thị trường Tp.HCM (Hình 2).

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị tổ công tác phía Nam và các địa phương tiếp tục phối hợp giải quyết nhu cầu lương thực thực phẩm cho các nơi đang giãn cách xã hội.

Chuẩn bị hoạt động, sản xuất trong điều kiện mới

Về phía Tp.Hồ Chí Minh, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đang chuẩn bị mở cửa sau ngày 15/9, sản xuất trong điều kiện mới. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm được ưu tiên tạo mọi điều kiện sản xuất để có đủ mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân”.

Vì thế, các doanh nghiệp của Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM sẽ tăng nhịp độ hoạt động khoảng 50% so với hiện nay. Cho nên Tp.HCM mong muốn tổ công tác của Bộ NN&PTNT và các địa phương hỗ trợ kết nối hàng hoá để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản xuất.

Kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các Sở NN&PTNT địa phương tiếp tục duy trì tổ phát triển thị trường hay tổ kết nối nông sản, để gắn kết thông tin với Bộ NN&PTNT, với các doanh nghiệp sản xuất.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.