Phương pháp KiVa là phương pháp chống bạo lực học đường do Bộ Giáo dục Phần Lan xây dựng. KiVa là viết tắt của “Kiusaamista Vastaan”, có nghĩa là “chống bắt nạt” trong tiếng Phần Lan. Nó được ra đời vào năm 2007 và trong cùng năm đó, các vụ bắt nạt học đường đã giảm 40%. Hiện tại, 90% trường học ở Phần Lan đã triển khai và loại bỏ được các trường hợp bắt nạt trong lớp học.
Mục tiêu của KiVa là giúp học sinh nhận biết được mối nguy hiểm của bắt nạt và giúp các em trở thành người bảo vệ những người bị bắt nạt. Trẻ em không còn là nhân chứng thụ động nữa mà đã trở thành người biết đối mặt với kẻ bắt nạt, bảo vệ những đứa trẻ khác trước mối nguy hiểm từ bạo lực học đường.
Phương pháp này hoạt động bằng cách:
- Trường học sử dụng 1 hộp thư ẩn danh để bất cứ ai cũng có thể báo cáo về những trường hợp bị bắt nạt.
- Trường học sắp xếp 1 giáo viên phụ trách việc quan sát và lắng nghe học sinh, thấu hiểu hơn về câu chuyện của chúng. Vào giờ giải lao, giáo viên này có nhiệm vụ quan sát hành vi của học sinh trong trường.
- Sẽ có 3 chuyên gia chịu trách nhiệm trấn an trẻ bị bắt nạt và đối thoại với trẻ đến khi vấn đề được giải quyết.
- Học sinh trong trường sẽ được dạy về cách xác định những vấn đề bạn bè cùng trang lứa thể hiện thông qua ngôn ngữ hình thể, rèn luyện sự đồng cảm và tôn trọng người khác.
Do sự thành công ngay từ lần đầu tiên của phương pháp này tại Phần Lan mà nó đã được triển khai rộng rãi ở khắp các quốc gia trên thế giới. Năm 2015, giai đoạn đầu triển khai phương pháp chống bắt nạt KiVa đã được chấp nhận ở các quốc gia Mỹ Latinh như Argentina, Colombia, Tây Ban Nha, Mexico và Chile. Các quốc gia khác như Hà Lan, Vương quốc Anh, Đức , Bỉ, Ý, Luxembourg, Estonia, Thụy Điển , New Zealand và Hungary cũng đã bắt đầu sử dụng phương pháp này ở một số trường học của họ.
Hà Thương (Theo Brighside)