Năm 1987, một nhóm trộm mộ đã dùng thuốc nổ để mở đường vào 1 ngôi mộ cổ ở thôn Thang Khanh, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tiếng nổ quá lớn đã thu hút sự chú ý của người dân trong thôn.
Sau đó, dù không kịp bắt được nhóm trộm nhưng người dân cũng đã kịp báo với phòng quản lý văn vật của huyện đến kiểm tra tình trạng của cổ mộ. Kết quả cho thấy ngôi mộ đã bị tàn phá nặng nề, nhiều cổ vật đã bị phá hỏng.
Tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may, vụ nổ đã khiến một món cổ vật quý vốn bị vùi sâu dưới lòng đất được “lộ diện”. Khi mới được đào lên, cổ vật này một chiếc ấm trà cổ được gói trong tấm vải hoa màu xanh.
Ấm trà cao khoảng 11 cm, màu chủ đạo là màu hạt dẻ pha lẫn một chút sắc vàng. Theo lẽ thông thường, cổ vật dạng ấm trà chỉ được xếp vào loại thông thường, không có giá trị cao. Tuy nhiên, điều khác biệt ở ấm trà này là dưới đáy có khắc 4 chữ “Thời Đại Bân Chế” (tạm dịch: Do Thời Đại Bân chế tác).
Hóa ra, đây là 1 tác phẩm của nghệ nhân Thời Đại Bân nổi tiếng - truyền nhân của một gia tộc chuyên làm ấm tử sa. Những ai sành về nghệ thuật thưởng trà hoặc chuyên sưu tầm cổ vật hẳn đều biết tới giá trị của ấm chén tử sa. Chúng được làm thủ công từ phôi đất mềm (loại đất tử sa đặc biệt ở vùng Nghi Hưng, Trung Quốc), không tráng men, được nung ở nhiệt độ cao và tạo nên chất ấm chắc như sứ. Từng có 1 chiếc ấm tử sa dạng thạch biều của Trung Quốc được bán đấu giá ở mức 2 triệu USD vào năm 2010.
Quay trở lại với Thời Đại Bân, danh tiếng của nghệ nhân này từng lan rộng khắp Trung Quốc, các văn nhân mặc khách cho đến các quan lớn đều yêu thích ấm tử sa do ông chế tác. Ngay cả vua Càn Long - người vốn có sở thích thẩm trà cũng coi loại ấm do Thời Đại Bân làm là báu vật và lưu giữ trong cung.
HIện tại, chiếc ấm tử sa tuổi đời 300 năm của Thời Đại Bân có giá lên tới 1 triệu NDT, tương đương 3,49 tỉ đồng.
Hương Nguyễn (Theo sohu)