LP 890-9c là hành tinh tương đối giống Trái đất và có tiềm năng hình thành sự sống.
Ngôi sao lùn đỏ LP 890-9 có hai hành tinh quay quanh quỹ đạo rất giống Trái đất mang tên LP 890-9b và LP 890-9c, theo Daily Mail.
Một hành tinh do kính viễn vọng không gian TESS của NASA phát hiện và hành tinh còn lại do một kính viễn vọng vận hành tại Đại học Birmingham ở Anh, thuộc dự án SPECULOOS phát hiện.
Hành tinh 890-9b lớn hơn Trái đất khoảng 30% và hoàn thành một chu kỳ quay quanh ngôi sao chủ trong 2,7 ngày. Tuy nhiên, hành tinh LP 890-9c lớn hơn Trái đất khoảng 40%, có chu kỳ quay 8,5 ngày và nằm trong "vùng có thể sinh sống".
Mục tiêu của dự án SPECULOOS là tìm kiếm các hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời có các điều kiện cho phép chúng duy trì sự sống.
Giáo sư Amaury Triaud, người dẫn dầu dự án SPECULOOS, giúp phát hiện hành tinh mới có khả năng duy trì sự sống, nói: "Vùng có thể sinh sống là khái niệm mà trong đó một hành tinh có điều kiện địa chất và khí quyển tương tự như Trái đất, sẽ có nhiệt độ bề mặt cho phép nước ở trạng thái lỏng trong hàng tỷ năm".
Theo giáo sư Triaud, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá xem hành tinh LP 890-9c có bầu khí quyển hay không và nếu có, đánh giá thành phần bầu khí quyển và khả năng hình thành sự sống.
LP 890-9c hay còn gọi là SPECULOOS-2 là hành tinh tiềm năng xếp thứ hai trong danh sách các "siêu Trái đất" có thể hình thành sự sống. Ứng viên hàng đầu hiện nay là TRAPPIST-1e, hành tinh quay xung quanh ngôi sao lùn đỏ TRAPPIST-1, cách Trái đất 39 năm ánh sáng.
"Điều quan trọng là phải phát hiện càng nhiều các hành tinh có thể tồn tại sự sống càng tốt để nghiên cứu sự đa dạng của khí hậu ngoại hành tinh và đánh giá tần suất các yếu tố sinh học xuất hiện trong vũ trụ", Giáo sư Traud nói thêm.
Nghiên cứu đầy đủ sẽ được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.
Đăng Nguyễn - Daily Mail