Tín hiệu tốt từ xuất khẩu cá tra và kỳ vọng sức tăng trưởng dịp cuối năm

Tín hiệu tốt từ xuất khẩu cá tra và kỳ vọng sức tăng trưởng dịp cuối năm

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 5, 23/11/2023 14:00

Xuất khẩu cá tra trong tháng 10/2023 đạt gần 173 triệu USD. Kỳ vọng năm nay, Việt Nam sẽ thu về khoảng gần 1,8 tỷ USD từ mặt hàng này.

Tăng trưởng dương ở nhiều thị trường

Theo Hải Quan online, số liệu thống kê, tháng 10/2023, xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trưởng dương ở các thị trường, như: Trung Quốc và Hồng Kông, Mexico, Canada, EU,... Trong đó, một số thị trường Nam Mỹ và châu Á được đánh giá là tiềm năng, như: Brazil, Trung Quốc, Thái Lan với mức tăng trưởng đều đạt 2 con số.

Trong tháng 10/2023, xuất khẩu các sản phẩm cá tra sống, tươi, đông lạnh, khô đạt giá trị cao nhất kể từ đầu năm 2023, với hơn 31 triệu USD, tăng 35%, chiếm 18% tỷ trọng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu chủ lực vẫn là các sản phẩm phile cá tra với doanh số đạt 139 triệu USD, giảm nhẹ 9% trong tháng 10/2023, chiếm 80% tỷ trọng. Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm chế biến khác đạt hơn 2 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cá tra Việt Nam hiện nay đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường chính gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nam Mỹ,… Xét về cơ cấu thị trường xuất khẩu hiện nay tỷ trọng đã thay đổi, xu thế chuyển dịch sang thị trường Trung Quốc, từ 11% năm 2015, đến năm 2022 khoảng 29%; thị trường EU lại giảm, năm 2015 tỷ trọng đạt 18%, nhưng năm 2022 con số này giảm còn khoảng 9%; thị trường Mỹ tương đối ổn định, trung bình chiếm khoảng 20%.

Xu hướng thị trường - Tín hiệu tốt từ xuất khẩu cá tra và kỳ vọng sức tăng trưởng dịp cuối năm

Xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trưởng dương ở các thị trường, như: Trung Quốc và Hồng Kông, Mexico, Canada, EU... Ảnh minh họa từ internet 

Theo số liệu phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 10/2023, Trung Quốc và Hồng Kông vẫn tiếp tục là thị trường đứng đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam và ghi nhận tăng trưởng dương với giá trị đạt tương đương so với tháng trước đó 56 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 10/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm 23%, đạt hơn 490 triệu USD. 

Theo các doanh nghiệp, nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, tuy nhiên doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này, các doanh nghiệp sẽ chú trọng đối với sản phẩm chế biến sâu khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tín hiệu tích cực từ thị trường

Cùng với Trung Quốc, Mỹ cũng thuộc Top đầu các thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam.

Hiện nay, thị trường Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện nhu cầu tiêu dùng, tỷ lệ tồn kho sản phẩm của công ty tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ đã giảm về mức trung bình. Cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại sẽ là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nói chung, cũng như mặt hàng cá tra Việt Nam.

Cùng với tín hiệu khả quan từ thị trường Mỹ, EU cũng đã tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam từ tháng 9/2023 và duy trì mức tăng ổn định trong tháng 10 là 10% với giá trị đạt gần 15 triệu USD. Tính đến hết tháng 10/2023, EU nhập khẩu 144 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khối EU, Đức vẫn là điểm sáng của khối thị trường này khi XK cá tra Việt Nam sang đây tăng 44% so với 10 tháng năm 2022. Riêng tháng 10/2023 nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này đã tăng nhập khẩu gấp 2,5 lần các sản phẩm cá tra. Ngoài Đức, tháng 10/2023, hầu hết các thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam trong khối EU đều ghi nhận sụt giảm như Hà Lan (giảm 27%), Bỉ (giảm 35%), Tây Ban Nha (giảm 7%),... Nhu cầu về cá tra Việt Nam tại EU dần tăng trở lại do thời điểm chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm. EU kỳ vọng sẽ là điểm sáng XK những tháng cuối năm nay khi được đánh giá là có nền kinh tế ổn định hơn so với các thị trường trọng điểm khác.

Những tín hiệu bắt đầu hồi phục và tăng trưởng nhẹ trong tháng đầu quý IV năm nay kỳ vọng sẽ duy trì và tăng trong 2 tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của VASEP, các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm khai thác thêm các thị trường tiềm năng khác ở Nam Mỹ và châu Á, ngoài Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh XK thêm các sản phẩm khác ngoài phile đông lạnh để giữ thế chủ động.

Với kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022, từ những tín hiệu trên, VASEP dự báo, năm nay Việt Nam sẽ thu về khoảng gần 1,8 tỷ USD từ mặt hàng XK chủ lực này.

Khai thác tốt nhất tiềm năng xuất khẩu

Theo tạp chí Tài Chính, thông tin từ Hiệp hội cá Tra Việt Nam (VINAPA), trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả cạnh tranh, ngành hàng cá tra đang chú trọng nhiều giải pháp cải thiện chuỗi sản xuất nuôi trồng, chế biến cung ứng xuất khẩu. Đây là điều kiện tất yếu nhằm tận dụng thời cơ, khai thác tốt nhất tiềm năng xuất khẩu, ngành hàng thủy sản thế mạnh của vùng.

Ông Hàng Quốc Định - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành cho biết: “Với hy vọng thị trường có thể hồi phục, doanh nghiệp đang tập trung nỗ lực tiết giảm chi phí nhằm hạ giá thành xuất khẩu. Trong những tháng cuối năm, Ban lãnh đạo quyết tâm rà soát lại tất cả các chi phí có thể tiết giảm được để cung cấp sản phẩm cho khách hàng với giá tốt cũng như chất lượng tốt”.

Thống kê đến hết tháng 10/2023, diện tích nuôi mới cá tra của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long là hơn 5.300ha. Con số này tăng gần gấp đôi so với diện tích nuôi mới của cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, một khi xuất khẩu thuận lợi, khả năng vùng nuôi sẽ mở rộng thêm. Nhu cầu con giống chất lượng, đảm bảo đủ chuẩn quy định của các nước nhập khẩu càng được quan tâm hàng đầu...

Thông tin định hướng phát triển xuất khẩu ngành hàng cá tra tỉnh nhà, bà Lê Thị Trúc Tươi - Phó Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển ngành hàng cá tra theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, dựa trên việc áp dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý. Cùng với đó, thực hiện thường xuyên công tác quan trắc môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản; theo dõi sát tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ, thông tin thị trường. Đồng thời tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số trong công tác quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường và môi trường nuôi...”.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch VINAPA cho hay: “Việc chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị trong chuỗi sản xuất, chế biến cá tra đang kỳ vọng đưa ngành cá tra đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm nay. Thời gian tới, đơn vị sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh triển khai đảm bảo sản xuất con giống đạt tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng cá tra đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời quy định hàng hóa của các nước nhập khẩu cá tra đòi hỏi ngày càng cao từ cá giống đến quy trình chế biến, vì vậy, với nguồn cá giống tốt, sạch bệnh tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng cá tra được tốt hơn...”.

Đào Vũ (T/h)

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.