Ngày 20/7, cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã khởi tố bị can Võ Văn Huy (SN 1999, trú tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, tháng 6/2021, một người lạ nhắn tin cho bà Lan – tên nạn nhân được thay đổi (trú tại Đống Đa, Hà Nội) hỏi mua bức tranh rao bán trên mạng.
Người này nói với bà Lan rằng bản thân đang ở nước ngoài và sẽ thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng. Sau đó, bà Lan đã gửi số tài khoản, tên người thụ hưởng tại ngân hàng TMCP Đông Nam Á.
Có được thông tin, đối tượng đã làm giả một hóa đơn chuyển tiền quốc tế và yêu cầu bà Lan cung cấp số điện thoại nhận mã OTP để hoàn thiện hóa đơn. Lúc này, kẻ lạ mặt gửi cho bà Lan một đường link lạ, hướng dẫn đăng nhập thông tin tài khoản để nhận tiền bán tranh. Sau khi bà Lan nhập tài khoản và mật khẩu ngân hàng, thì cũng là lúc đối tượng đăng nhập và phát hiện trong tài khoản tiết kiệm online có 650 triệu đồng. Gã đã thực hiện tất toán tiết kiệm và chuyển 300 triệu đồng sang tài khoản của mình. Phát hiện mình bị chiếm đoạt mất 300 triệu đồng, bà Lan đã đến cơ quan công an trình báo.
Tiếp nhận thông tin, đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa đã khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh, truy xét đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ chiến sĩ nhanh chóng xác định được đối tượng nghi vấn là Võ Văn Huy. Các trinh sát ngay lập tức di chuyển vào Quảng Trị truy bắt đối tượng. Đến chiều 3/7, Công an quận Đống Đa đã bắt giữ được Võ Văn Huy khi đối tượng đang lẩn trốn tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Bước đầu, tại cơ quan công an, Huy khai nhận bằng thủ đoạn như trên đã chiếm đoạt 300 triệu đồng của bà T. Toàn bộ số tiền chiếm được, Huy sử dụng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoánqua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Han (t/h từ An ninh thủ đô, Tiền Phong)