Bà Trương Mỹ Lan xin tại ngoại để làm việc với nhà đầu tư, tỷ phú nước ngoài
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa hôm nay. Ảnh: Duy Anh (Tiền phong)
Chiều nay (20/3), tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, HĐXX cho bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tự bào chữa.
Tự bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan nói: “Tôi cảm thấy đau xót khi Viện Kiểm sát cho rằng tôi quanh co chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới. Bản thân tôi cảm thấy mình có một phần trách nhiệm, tôi dành một phần trách nhiệm cùng chịu tội với nhân viên. Họ vì vô tình mà vi phạm quy định…”.
Cũng theo lời tự bào chữa, bà Lan nói bà nhiều lần xin tại ngoại để làm việc với nhà đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài, tỷ phú nước ngoài để tái cấu trúc SCB và khắc phục hậu quả.
Nghe bà Lan trình bày tới đây, chủ toạ phiên toà nói rằng, nếu có nhà đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài, tỷ phú nước ngoài nào đó như bị cáo nói muốn khắc phục hậu quả giúp bị cáo thì HĐXX tạo điều kiện tối đa để bị cáo được gặp ngay tại giai đoạn xét xử này.
"Tuy nhiên, bị cáo phải nói là nhà đầu tư nước ngoài nào và có thể thông qua luật sư làm đơn gửi HĐXX xem xét chứ không thể nói chung chung" - chủ toạ giải thích.
Triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 6, xem xét công tác nhân sự
Kỳ họp bất thường 6 sẽ diễn ra vào sáng 21/3, bằng hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thời gian diễn ra Kỳ họp bất thường vào sáng 21/3, bằng hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Trong ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường, đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo quy định, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh là các chức danh do Quốc hội bầu và miễn nhiệm.
Khai trừ Đảng nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan
Bà Hoàng Thị Thúy Lan khi còn đương chức. Ảnh: Hoàng Phong
Tại hội nghị bất thường chiều 20/3, Trung ương đánh giá bà Lan đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.
Trước đó ngày 8/3, bà Thúy Lan cùng Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội Nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Phân công ông Nguyễn Hoài Anh phụ trách Đảng bộ tỉnh Bình Thuận
Ông Nguyễn Hoài Anh phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận, tháng 5/2022. Ảnh: Việt Quốc
Bộ Chính trị phân công Phó bí thư Thường trực Nguyễn Hoài Anh, 47 tuổi, phụ trách Đảng bộ Bình Thuận sau khi Bí thư Tỉnh ủy được điều động ra Vĩnh Phúc.
Ông Hoài Anh quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông có trình độ thạc sĩ quản lý hành chính công, kiến trúc sư, từng kinh qua chức vụ, như: Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận, Bí thư Huyện ủy Tuy Phong, Phó ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy...
Hôm 18/3, Bí thư Bình Thuận Dương Văn An được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ông Hoài Anh sẽ điều hành công việc của Đảng bộ tỉnh đến khi kiện toàn chức danh Bí thư Tỉnh ủy.
Yến Ngọc (tổng hợp)