Công bố Kết luận thanh tra việc cung ứng điện
Ngày 12-7, Bộ Công Thương đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện quy định về quản lý và điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị liên quan.
Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra
Ngày 12-7, Bộ Công Thương đã công bố kết luận thanh tra về quản lý và điều hành cung cấp điện.
Kết luận thanh tra nêu rõ: Điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm; Vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023; Để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6-2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Bộ Công Thương yêu cầu EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân vi phạm có liên quan.
Quyết định thành lập Đoàn thanh tra tại EVN đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký ban hành ngày 8-6, thời điểm cung ứng điện tại miền Bắc gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 14-6, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), bị đình chỉ chức vụ để phục vụ thanh tra việc cung ứng điện.
Bài thi công chức kỳ lạ ở Bắc Giang
Những thí sinh vi phạm quy chế thi đều bị đánh dấu trong thông báo kết quả
Liên quan đến những dấu hiệu bất thường của kỳ thi công chức, viên chức của tỉnh Bắc Giang năm 2023, ông Trần Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này cho hay, tại buổi thi ngày 24/6, khi vào thi được khoảng 15 phút thì có tin báo thí sinh tại Phòng số 7 sử dụng tài liệu.
Đây là thông tin của một thí sinh dự thi tại phòng phát hiện và báo cho giám thị. Thí sinh dũng cảm đứng giữa lớp tố giác việc sử dụng tài liệu sau đó đã không tiếp tục làm bài thi mà ngồi tại chỗ để tìm kiếm các thí sinh mở tài liệu để chép. Dù làm “công việc” của giám thị nhưng không có thẩm quyền xử lý nên thí sinh này đành viết những gì quan sát được vào chính bài thi của mình.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang xác nhận, khi chấm bài thi đã ghi nhận những nội dung đó. Những người vi phạm mà thí sinh này nêu đều đã bị lập biên bản. Theo quy chế, các trường hợp đưa tài liệu vào phòng thi, đưa tài liệu vào và bị phát hiện sử dụng bị trừ 25-50% số điểm.
Diễn biến mới nhất vụ phi công Vietnam Airlines dương tính với ma túy
Ngày 12-7, Vietnam Airlines đã báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về kết quả phối hợp với Trung tâm y tế hàng không làm rõ trường hợp phi công P.H.D. có mẫu xét nghiệm dương tính với chất cấm.
Phi công P.H.D.
Theo đó, việc xét nghiệm thấy chất cấm trong máu và nước tiểu của phi công P.H.D. không liên quan đến việc sử dụng 2 loại thuốc mà phi công này đã khai báo. Trước đó, theo kết quả xét nghiệm phòng ngừa của hãng, mẫu xét nghiệm của phi công P.H.D. tìm thấy chất cấm. Trong quá trình điều tra sau đó, phi công P.H.D. cung cấp 2 loại thuốc giảm đau đang sử dụng, không có đơn của bác sĩ.
Vietnam Airlines khẳng định công tác an toàn khai thác, an toàn sức khỏe hành khách và nhân viên của hãng luôn là mục tiêu quan trọng nhất. Vietnam Airlines sẽ triển khai các thủ tục kiểm điểm và xử lý phi công P.H.D. theo quy định. Phi công này sẽ đối mặt với mức kỷ luật cao nhất là sa thải.
Trước đó, tháng 5-2023, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản của trạm y tế đoàn bay 919 của Vietnam Airlines, báo cáo về việc kiểm tra sức khỏe phi công P.H.D. trước chuyến bay nhưng phi công này từ chối kiểm tra chất gây nghiện. Phi công này đưa đi xét nghiệm chất gây nghiện chuyên sâu, kết quả dương tính với ketamine.
Ngay sau đó hãng hàng không đã cho tạm dừng bay với phi công này để tiếp tục các bước xác minh tiếp theo tại cơ sở có phân tích y tế chuyên sâu.
Vụ 2 máy bay suýt “cắt mặt”: Tổ bay không nhắc lại đầy đủ huấn lệnh
Tin từ Cục Hàng không cho biết, Tổ điều tra của cục vừa làm việc với các bên liên quan phía Việt Nam để xác minh, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra sự cố 2 máy bay vi phạm khoảng cách an toàn khi cất/hạ cánh tại sân bay Nội Bài hôm 24/6 vừa qua.
Sự cố xảy ra giữa máy bay số hiệu AIQ645 (của hãng hàng không Thai Air Asia) và một máy bay của hãng Việt Nam. Thời điểm đó, khoảng cách giữa 2 máy bay là 1,5km.
2 máy bay suýt "cắt mặt" tại sân bay Nội Bài
Theo đó, ngoài người điều khiển, các máy bay hiện đại, trên buồng lái đều có hệ thống cảnh báo khoảng cách an toàn giữa các máy bay. Do đó, Tổ điều tra sự cố yêu cầu tổ bay AIQ645 cung cấp ghi âm buồng lái. Ghi âm này sẽ cung cấp thông tin về huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu, việc tiếp nhận phía tổ bay có đầy đủ không, có nhắc lại để đảm bảo đã nghe đầy đủ huấn lệnh hay không.
Qua xác minh sơ bộ, tại thời điểm trên, giữa tổ bay AIQ645 và kíp trực không lưu đang trao đổi về phương thức bay. Sau khi khi cấp huấn lệnh, tổ bay đã không nhắc lại đầy đủ, nhưng kiểm soát viên không lưu không phát hiện ra để nhắc lại cho tổ bay. Kiểm soát viên không lưu cũng thiếu quan sát thực tế trên đường băng để cảnh báo kịp thời.
Trường hợp Tổ điều tra của Cục Hàng không xác minh có một phần lỗi từ tổ bay AIQ645, cơ quan này sẽ cung cấp hồ sơ cho nhà chức trách hàng không Thái Lan để xử lý trách nhiệm tổ bay theo quy trình hàng không quốc tế.
Phương Hà (tổng hợp)