Hàng trăm cảnh sát có mặt tại khu du lịch Đại Nam
Ngày 29/5, rất nhiều hình ảnh, clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh lực lượng công an với hàng trăm người, có mặt tại khu du lịch Đại Nam (phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Lực lượng công an bao gồm: Cảnh sát ma túy, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động…
Một số clip đăng tải trên mạng xã hội tiêu đề “Đại Nam thất thủ”. Tuy nhiên, đại diện khu du lịch Đại Nam khẳng định thông tin này là chưa chính xác.
Cụ thể, đại diện khu du lịch Đại Nam cho biết đây là giải đua Offline Tay ga HNracing Shop lần II năm 2023, do một công ty tổ chức.
Công ty này đã xin phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương. Khu du lịch Đại Nam chỉ cho thuê địa điểm để tổ chức.
Rất động lực lượng Cảnh sát cơ động có mặt để bảo vệ. Ảnh: Người dân cung cấp
Vị đại diện này cũng cho biết, lực lượng công an TP Thủ Dầu Một chỉ đến kiểm tra hành chính tại giải đua xe như thường lệ, chứ không hề liên quan đến Đại Nam. Sau khi kiểm tra ban đầu, lực lượng công an đã phát hiện một số trường hợp xe chưa có giấy tờ hợp lệ.
Theo văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, đơn vị này thống nhất cho tổ chức giải đua tại Trường đua Đại Nam (nằm trong khu du lịch Đại Nam) trong hai ngày 27 và 28-5 với số lượng 60 vận động viên.
Ngoài ra, công ty này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến giải đua này.
Thông tin mới vụ phóng viên báo Tiền Phong bị dọa giết
Ngày 29/5, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã chỉ đạo Công an huyện Cư Kuin điều tra, xác minh việc báo Tiền Phong phản ánh phóng viên, nhà báo tác nghiệp bị các đối tượng đe doạ, uy hiếp tính mạng, xử lý nghiêm theo quy định.
Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã chỉ đạo quyết liệt Công an huyện Cư Kuin gọi hết các đối tượng liên quan lên để điều tra, làm rõ, xử lý.
Cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Đắk Lắk có công văn 921 gửi Công an tỉnh, UBND huyện Cư Kuin liên quan vụ việc này.
Tuyến đường tránh Đông TP.Buôn Ma Thuột đang thi công, dài 39km
Ngoài ra, theo Sở TT&TT, một số cơ quan báo chí cũng đã đăng tin, bài phản ánh sự việc nhà báo Nguyễn Văn Tuấn bị gọi điện đe dọa, uy hiếp tính mạng trong quá trình thâm nhập thực tế, tác nghiệp trên địa bàn huyện Cư Kuin.
Nhận thấy đây là sự việc nghiêm trọng, Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk đề nghị Công an tỉnh, UBND huyện Cư Kuin chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo Nguyễn Văn Tuấn, nhằm bảo vệ tính mạng, danh dự, uy tín của nhà báo và bảo đảm môi trường tác nghiệp báo chí an toàn.
Sở này cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng có phương án bảo vệ nhà báo Nguyễn Văn Tuấn và người thân.
Trước đó, sau khi thực tế xác minh để viết bài về vấn nạn "đất tặc" ở huyện Cư Kuin, nhà báo Nguyễn Văn Tuấn bị một số đối tượng gọi điện đe doạ giết cả nhà.
Cụ thể, tối 18/5, liên tiếp có 2 người đàn ông sử dụng cùng một số điện thoại 0915840755 thay nhau gọi đến số máy của anh Tuấn đe doạ với những lời lẽ như “giết mất nòi, mất xác”, “đốt cả nhà”.
Phó chủ tịch huyện ở Cà Mau phủ nhận “mặc cả” với nhà thầu
Chiều 29/5, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin bước đầu đến báo chí về đoạn ghi âm đăng tải trên mạng xã hội được cho là ông N.V.S., Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân (Cà Mau) “mặc cả” với nhà thầu về chi phí phần trăm công trình.
Quang cảnh buổi họp báo
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, vấn đề trên đã gây dư luận rất lớn. Ngay sau khi nắm thông tin, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ công tác để xác minh, làm rõ vụ việc.
Ông Việt cho biết, trong quá trình làm việc, ông S. đã phủ nhận những thông tin được đăng tải và nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ làm rõ mục đích của tài khoản đăng tải thông tin.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản Hai Nguyen đã đăng tải đoạn ghi âm kèm nội dung "luật chơi phó chủ tịch huyện Phú Tân…", với nội dung thể hiện cuộc trao đổi qua lại giữa người bị cho là ông S. và một nhà thầu.
Người được cho là ông S. nói: "Cái Trung tâm Văn hóa thể thao xã Phú Tân đang nghiên cứu giao cho ông nhưng mà cái phần ông để lại hình như hơi yếu hơn mấy đơn vị khác hả". Nhà thầu đáp: "Không biết bên kia sao, chứ tôi hồi nào giờ cứ 20 hà". Tại đây, người đàn ông trên nói tiếp "cánh bên kia để lại 30".
Nhà thầu than: "30 nói thiệt S. là cao lắm”. Giọng người được cho là tên S. chốt: "Giờ mình sống theo luật chơi đi, chứ giờ mình không theo người ta sao mình làm được. Đâu nghiên cứu có gì cho hay”.
Sở Y tế Long An lên tiếng trước clip tố bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân
Theo thông tin của clip đăng tải trên mạng xã hội, khoảng 9h ngày 27/5, anh H (30 tuổi, ngụ ấp 1, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị tai nạn lao động khi đang làm việc. Nạn nhân đã được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An.
Các bác sĩ chẩn đoán, anh H bị dập nát đốt xa hai ngón tay 2, 3 của bàn tay phải. Ngay sau đó, nạn nhân được xử lý băng bó vết thương cầm máu, đồng thời chuyển lên khoa Ngoại chấn thương để chờ các ca cấp cứu trước đó mổ xong sẽ tiến hành phẫu thuật cho nạn nhân.
Trong thời gian chờ đợi, một số người thân đi theo nạn nhân đã phản ứng quyết liệt, cho rằng bệnh viện chậm mổ nối ngón tay cho bệnh nhân, chậm cho chuyển viện lên TPHCM... và tiến hành quay video đưa clip lên mạng xã hội, cho rằng: “Bệnh viện chẳng lo cho bệnh nhân để từ sáng đến chiều”.
Nội dung clip cũng thể hiện một bác sĩ tên Tuấn liên tục giải thích với người thân của nạn nhân, do có nhiều ca mổ nên nạn nhân phải chờ đến lượt mới xử lý. Thế nhưng người thân nạn nhân không đồng ý với cách giải thích này.
Đến 17h cùng ngày, bệnh nhân đã được mổ xong. Do bị dập nát đốt xa của 2 ngón tay và không thể nối lại, bệnh viện phải xử lý phần ngoài của ngón tay để đảm bảo an toàn... Người thân của nạn nhân cho rằng các bác sĩ không cứu chữa kịp thời dẫn tới nạn nhân bị hỏng 2 ngón tay.
Chiều 28/5, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An xác nhận, đã nắm được toàn bộ sự việc liên quan đến clip và các thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội phản ánh về vụ việc trên.
Theo ông Huỳnh Minh Phúc, sự việc phản ánh trên mạng là có nhưng thời điểm ấy bệnh viện có rất nhiều ca nặng đang cấp cứu. Do đó, các bác sĩ phải ưu tiên mổ ca nặng trước, ca nhẹ hơn mổ sau chứ không bỏ mặc bệnh nhân như thông tin phản ánh trên mạng.
Lý Nguyễn (t/h)