Một người ở Kiên Giang trúng 11 tờ vé số giải đặc biệt
Thông tin 1 khách hàng ở tỉnh Kiên Giang trúng 12 tờ vé số giải đặc biệt được lan truyền trên mạng xã hội
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một khách hàng ở tỉnh Kiên Giang đã trúng 12 tờ vé số giải đặc biệt có dãy số 432494, mở thưởng ngày 16/1, của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu.
Liên quan đến vụ việc trên, đại diện tiệm vàng K.B. ở Kiên Giang cho hay, đã hỗ trợ một khách hàng quê ở Kiên Giang đổi thưởng 11 tờ vé số trúng giải đặc biệt với số tiền 19,8 tỷ đồng, chứ không phải 12 tờ như bài đăng trên mạng xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Truyền, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu, công ty đã trả thưởng đầy đủ cho chủ nhân của 12 vé số trúng thưởng ngày 16/1, với tổng giá trị 24 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế).
"Công ty trả thưởng 11 vé số trúng cho 1 khách hàng; vé trúng còn lại là của 1 khách hàng khác" - ông Truyền nói.
Trâu đi lạc vào nhà ga sân bay Nội Bài
Trâu xuất hiện tại tầng 2 sân bay Nội Bài. Ảnh: Đào Tuấn
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh kèm theo thông tin một con trâu đi lạc lên tầng 2 của ga hành khách T1 sân bay Nội Bài.
Cụ thể, Facebook này chia sẻ: “Ngưu Ma Vương đột nhiên xuất hiện tại sảnh đi nhà ga T1 sân bay Nội Bài. Chắc delay nên cụ ngưu có vẻ thong dong, làm lực lượng an ninh sân bay một phen bất ngờ”.
Trước thông tin trên, chiều 22/1, đại diện sân bay Nội Bài cho biết, vào khoảng 11h30 trưa cùng ngày, xuất hiện 1 con trâu đi về hướng nhà ga hành khách T1 sân bay Nội Bài.
Ngay khi phát hiện, nam nhân viên An ninh hàng không đang làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trên đường nội cảng đã nhanh chóng đuổi cá thể trâu ra khỏi khu vực cảng.
Theo đại diện sân bay Nội Bài, sự việc cá thể trâu xuất hiện trên đường giao thông nội cảng là một sự việc hi hữu. Vụ việc không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, di chuyển của các phương tiện tiếp cận Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Cảnh báo đợt rét hại đầu tiên của năm 2024
Vùng núi cao có thể xảy ra băng giá và mưa tuyết trong đợt rét hại diện rộng đầu tiên năm 2024. Ảnh minh họa
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay, khu vực vùng núi Bắc Bộ đã xảy ra rét đậm, có nơi rét hại.
Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 7-10 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C; khu vực Bắc Trung Bộ từ 9-11 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 13-16 độ C.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, đây là đợt rét hại diện rộng đầu tiên của năm 2024. Đợt rét này có thể kéo dài trong nhiều ngày tới. Trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng này, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ngày 22/1, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Từ ngày 22-24/1, khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Rét hại có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân; rét hại kèm theo mưa có thể ảnh hưởng tới các hoạt động tham quan, du lịch, ảnh hưởng đến sự an toàn khi tham gia giao thông...
“Thần đèn” nâng thành công cổng đền lên cao 1,2m
Cổng tam quan đền Thánh Vân Chàng có tuổi đời hơn 200 năm được nâng cao 1,2m
Ngày 22/1, ông Trần Xuân Thắng, Chủ tịch UBND phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết "thần đèn" Nguyễn Văn Cư đã nâng thành công cổng tam quan đền Thánh Vân Chàng (hơn 200 năm tuổi, ở tổ dân phố Thuận Hòa) lên cao 1,2m, đảm bảo an toàn và ngang với mặt bằng đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh.
Cũng theo ông Thắng, sau khi nâng thành công cổng đền, đơn vị thi công hiện đang tập trung các công đoạn hoàn thiện cuối cùng là lát gạch đá, san lấp mặt bằng xung quanh. Dự kiến khoảng 2 ngày tới sẽ bàn giao lại công trình cho địa phương quản lý và đưa vào hoạt động.
Trước đó, cổng tam quan đền Thánh Vân Chàng đã được "thần đèn" Nguyễn Văn Cư cùng các công nhân di chuyển an toàn tới vị trí mới cách vị trí cũ 63m.
Đây là công trình duy nhất còn sót lại của ngôi đền cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 18. Cổng cao khoảng 5m, rộng 3m, được xây dựng từ vật liệu đá tổ ong, gạch, vôi vữa, nặng khoảng 100 tấn.
Yến Ngọc (tổng hợp)