Công an TP HCM nói về việc lộ lọt thông tin cá nhân của học sinh và phụ huynh
Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại buổi họp báo
Chiều 9-3, tại cuộc họp báo chiểu 9/3, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết gần đây, nhiều đối tượng lừa đảo mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện điện thoại trực tiếp đến phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn đang được nhập viện cấp cứu. Đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển khoản vào tài khoản do đối tượng cung cấp để tạm ứng viện phí. Nhiều phụ huynh vì tin lời đã chuyển tiền.
Hiện Công an TP.HCM đã thành lập một trang thông tin trên Facebook tại địa chỉ: facebook@anm.catphcm (tên: Phòng Anh ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng CNC – Công an TP.HCM). Trong đó, công an thông tin các thủ đoạn của đối tượng để chia sẻ cho người dân nắm bắt, cảnh giác.
Liên quan đến việc thông tin của học sinh, phụ huynh bị lộ lọt, ông Hà cho rằng thông tin có thể lộ lọt bằng nhiều cách, do lỗ hổng bảo mật, liên quan đến cơ quan, doanh nghiệp… có thể thu thập trong hoàn cảnh nào đó và bán lại cho các cá nhân.
"Cơ quan nhà nước đều có quy định quản lý chặt chẽ, kiểm tra bảo mật, an toàn… Kết quả cụ thể thì phụ thuộc quá trình điều tra, làm rõ. Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an quận huyện, cơ quan điều tra thu thập thông tin và xử lý"- ông Hà cho hay.
Trong khi đó, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, khẳng định “Không có chuyện lộ thông tin cá nhân từ hệ thống quản lý của ngành giáo dục” và khuyến cáo phụ huynh cần cẩn trọng khi xem những thông tin trong một số nhóm, group hoặc các trang mạng. Nếu nhận được thông tin nào liên quan đến con mình, phụ huynh cần gọi cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh trước.
Người nghèo chưng hửng khi bỏ 5.000 đồng mua bao để nhận… 0,4 kg gạo hỗ trợ giá 4.000 đồng
UBND xã Tây Giang
Như mọi năm, vào dịp Tết Nguyên đán 3 năm 2020, 2021 và 2022, UBND xã Tây Giang được UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) phân bổ hàng chục tấn gạo để cấp phát hỗ trợ "đỏ lửa" cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, các trường hợp khó khăn được phát 15kg gạo/hộ. Nhưng sau khi phát lại dư ra 17 bao với tổng trọng lượng 808kg.
Đến tháng 6/2022, 17 bao gạo nói trên được phát hiện đã “không cánh mà bay”. Bà Châu Thị Phương Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang cho biết, do tổ phát gạo của xã không kịp cân mà sử dụng xô để định lượng nên dẫn đến tình trạng mỗi suất gạo phát cho dân bị thiếu trọng lượng, tức không đủ 15kg. Do đó mới thừa ra 17 bao gạo. Khi phát hiện số gạo này bị mọt, ẩm mốc, bà tự ý đem bán với giá 7.800 đồng/kg. Bà Trang nói rằng sẽ dùng số tiền này để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn đột xuất trong thời gian tới, chứ không tư lợi.
Để khắc phục hậu quả, bà Trang mua lại 808kg gạo khác để phát bù cho dân.
Nghĩ rằng sẽ được nhận 15kg gạo như mọi khi, nhiều người đã bỏ ra 5.000 đồng mua bao để đến đựng gạo mang về nhà. Tuy nhiên, khi đến nơi, ai cũng chưng hửng khi biết mỗi hộ chỉ nhận được 0,418 kg gạo cùng với lời giải thích đây là số gạo bù vào phần đã hỗ trợ thiếu trong 3 năm qua.
Theo tính toán của phóng viên, với giá gạo bình thường tại địa phương khoảng 10.000đồng/kg, như vậy nhiều người nghèo đã "lỗ" khi "đầu tư" 5.000 đồng mua bao đựng để đi nhận số gạo trị giá khoảng 4.000 đồng từ chính quyền địa phương.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết việc cấp phát gạo bù hơn 0,4 kg gạo nói trên là do xã thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện sau khi đưa ra bàn thảo phương án khắc phục sự việc.
Một luật sư bào chữa vụ “Tịnh thất Bồng Lai” bị điều tra
Ngày 9/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thông tin đã tiếp nhận tin báo tội phạm từ Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao – Bộ Công an liên quan đến luật sư Đào Kim Lân (Đoàn luật sư TP.HCM) - một trong năm luật sư bào chữa cho các bị cáo ở “Tịnh thất Bồng Lai”.
Theo đó, một số cá nhân, trong đó có ông Lân đã có hành vi phát tán trên không gian mạng qua video clip những hình ảnh, bài viết có dấu hiệu tội phạm “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Liên quan vụ việc, ngày 7/3, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có văn bản về việc xem xét đường lối xử lý liên quan đến hoạt động hành nghề và ứng xử cho một số luật sư trong vụ án xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai”.
Văn bản của Liên đoàn Luật sư cho hay luật sư Lân và một số luật sư liên quan đã nhận thức được vấn đề và nghiêm túc xin rút kinh nghiệm về những phát ngôn, video đã đăng tải.
Trước đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhận được đơn kêu cứu của luật sư Lân với nội dung ông và một số luật sư trong quá trình bào chữa cho các bị cáo vụ Tịnh thất Bồng Lai đã sử dụng kênh Youtube "Nhật ký luật sư" để ghi chép các hoạt động, hành trình liên quan vụ án.
Kết thúc điều tra vụ thiếu tá tông tử vong nữ sinh lớp 12 ở Ninh Thuận
Ngày 9-3, gia đình nữ sinh lớp 12 bị tông tử vong ở tỉnh Ninh Thuận cho biết đã nhận được thông báo kết thúc điều tra vụ án và quyết định truy tố các bị can trước tòa.
Theo đó, Viện Kiểm sát quân sự khu vực 2, Quân chủng Phòng không – Không quân đã ban hành cáo trạng truy tố ra Tòa án quân sự khu vực 2, Quân khu 5 để xét xử bị can Hoàng Văn Minh (36 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận, thiếu tá, trợ lý tài chính thuộc Trung đoàn 937, Sư đoàn 370) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và các bị can: Huỳnh Thị Kim Hằng (vợ bị can Minh) và Phạm Văn Võ (50 tuổi, chú bị can Minh) về tội Khai báo gian dối.
Cơ quan công an dựng lại hiện trường vụ tai nạn
Như đã thông tin, khoảng 8h10 ngày 28/6/2022, ông Hoàng Văn Minh điều khiển ô tô lưu thông trên đường 16-4 từ biển Bình Sơn đi Quảng trường 16-4 (TP Phan Rang – Tháp Chàm).
Khi đến gần cổng một ngân hàng, ông Minh chuyển hướng sang phải và tông vào xe máy do nữ sinh lớp 12 Hồ Hoàng Anh điều khiển theo hướng cùng chiều. Nạn nhân bị ngã xuống đường, va vào trụ đèn và tử vong sau đó.
Sau khi tai nạn xảy ra, một người khác đã tự nhận là người cầm lái ô tô. Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, thu thập tài liệu chứng cứ đã chứng minh bị can Minh là người lái ô tô gây tai nạn.
Phương Hà t/h