Chủ tịch UBND huyện lên tiếng về thông tin học sinh ăn cơm với thịt chuột
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh hộp cơm trắng với thịt chuột được cho là của các em học sinh vùng cao tại huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).
Ngày 12/9, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết, vừa chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thông tin này.
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho rằng học sinh huyện Nam Giang (Quảng Nam) chỉ ăn cơm trắng với thịt chuột
Ông Sơn cho biết thông tin bài viết trên mạng hoàn toàn không đúng. Lâu nay, món thịt chuột là món ăn phổ biến của đồng bào vùng cao trong các dịp lễ, tết. Đây là thức ăn bổ sung dinh dưỡng rất tốt. Hiện vẫn chưa tìm được người đăng tải thông tin này để xác minh hình ảnh trên có phải ở trường thuộc huyện Nam Giang hay không.
Kiểm lâm chưa thể thu giữ con trăn bạch tạng xuất hiện ở đình Thủ Dương
Liên quan đến vụ việc con trăn màu trắng xuất hiện trong sân đình, ngày 12/9, ông Phạm Văn Cường - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho hay, sau khi nhận được thông tin về con trăn trắng xuất hiện ở đình Thủ Dương (xã Nam Dương), đơn vị này đã cử người xuống phối hợp với công an và chính quyền xã để xử lý vụ việc.
Bước đầu, theo cơ quan kiểm lâm, con trăn trắng thuộc dòng trăn đất, bị bạch tạng có thể do biến đổi gen. Loài trăn này không thường xuất hiện ở trên địa bàn.
Con trăn trắng xuất hiện ở đình Thủ Dương có thể là trăn bạch tạng do biến đổi gen (Ảnh: Công an huyện Lục Ngạn)
Ông Cường cũng chia sẻ, kế hoạch ban đầu của hạt Kiểm lâm là bắt nhốt con trăn để kiểm tra sức khỏe và giao cho một đơn vị cứu hộ nào đó để chăm sóc con trăn. Tuy nhiên, do nhiều người dân hiếu kỳ, ngăn cản vì cho rằng con trăn này không tấn công người, lại xuất hiện ở khu vực đình nên có tính linh thiêng, đề nghị lực lượng chức năng cứ để nó lại để theo dõi. Cơ quan kiểm lâm cũng đồng ý và đợi tình hình người dân lắng xuống sẽ tiến hành thu giữ về.
Trước đó, công an đã làm việc với ông Nguyễn Văn Nhật (SN 1963, trú tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương). Ông Nhật bắt được con trăn này từ nơi khác mang về. Sau đó, có thể do nuôi không được, bán lại rẻ nên người này mang con trăn thả ra vào khu vực đình.
Giám định ADN tro cốt cháu bé tử vong sau khi đi chữa bệnh 1 tháng
Ông NHN (ngụ ở TP Huế, Thừa Thiên - Huế) cho biết đã có đơn tố cáo ông LMQ (SN 1977, ngụ ở đường Nguyễn Bính, TP Huế) về việc con trai của mình bị tử vong chưa rõ nguyên nhân.
Theo đơn trình báo, đầu tháng 3/2022, gia đình ông NHN gửi con trai tên NLMQ (SN 2019, có dấu hiệu chậm phát triển) cho ông LMQ nuôi dưỡng, điều trị, vì tin ông này chữa được chứng chậm phát triển cho trẻ.
Ngôi nhà mà MQ thuê cho cháu bé ở.
Theo ông N, ông MQ nói rằng thời gian điều trị kéo dài khoảng 2,3 năm, chi phí là 200 triệu/tháng. Muốn được điều trị phải chuyển đặt cọc trước là 3 tháng (600 triệu). Số tiền này đã được gia đình chuyển cho ông MQ.
Gần 1 tháng sau, MQ đã trở lại Huế và giao cho gia đình ông NHN một bình gốm bên trong có than và các mẫu vật nghi là xương, và cho biết, cháu bé đã chết vì COVID-19 nên đã thiêu thi thể.
Ngày 12/9, ông NHN đã đem mẫu tóc của người mẹ và tro cốt (được cho là của con trai) đến cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng để giám định ADN.
Chàng trai có chiều cao bất thường hơn 2m chưa có điều kiện đi khám bệnh
Chiều cao vượt trội so với người bình thường, Nguyễn Văn Út (22 tuổi, ngụ ấp 8, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) khiến người thân lo lắng. Từ nhỏ đến năm 20 tuổi, Nguyễn Văn Út phát triển bình thường. Thời điểm trước năm 2019, Út chỉ cao bằng mấy anh trong gia đình, thậm chí còn hơi lùn.
Thế nhưng, kể từ năm 2020, chiều cao của Út phát triển rất nhanh và bất thường. Bản thân Út cũng cho rằng cơ thể mình "có gì đó bất thường” vì hằng ngày em ăn rất ít nhưng uống nhiều nước (trung bình một lần uống trên 2 lít nước).
Chiều cao đột biến của Nguyễn Văn Út vẫn là điều kỳ lạ, chưa được lý giải
Khi phát hiện Út cao bất thường, gia đình có đưa em đến Trung tâm Y tế huyện U Minh khám. Sau đó, các bác sĩ nói gia đình đưa Út ra Bệnh viện Đa khoa Cà Mau thăm khám, điều trị. Thế nhưng đến nay, gia đình chưa có điều kiện đưa em đi bệnh viện.
Trí Quân (t/h)