Bài thơ “À ơi tay mẹ” của nhà thơ Bình Nguyên được in trong sách Ngữ văn 6, bộ Cánh diều. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ này qua lời bình của tác giả Nguyễn Thị Hà, dạy Ngữ văn trường THCS Hải Thượng Lãn Ông, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
À ơi tay mẹ!
Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng.
Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi...
Bàn tay mẹ thức một đời
À ơi này cái mặt trời bé con...
Mai sau bể cạn non mòn
À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.
Ru cho mềm ngọn gió thu
Ru cho tan đám sương mù lá cây
Ru cho cái khuyết tròn đầy
Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.
Bàn tay mang phép nhiệm mầu
Chắt chiu tự những dãi dầu đấy thôi.
Ru cho sóng lặng bãi bồi
Mưa không dột chỗ ngoại ngồi vá khâu
Ru cho đời nín cái đau
À ơi... Mẹ chẳng một câu ru mình./.
Bình Nguyên
NHIỆM MẦU MÀ CÓ THẬT- TÌNH MẸ!
Từ xưa đến nay, hình ảnh người mẹ luôn là đề tài bất tận của văn chương, nghệ thuật. Hầu như bài nào viết về mẹ cũng đầy xúc động, day dứt. Lời ru của mẹ lại càng là tứ thơ được khai thác nhiều. “À ơi tay mẹ” của tác giả Bình Nguyên một lần nữa đưa ta đến với những cung bậc cảm xúc rất đỗi thiêng liêng về mẹ. Bàn tay, lời ru là ý thơ được tác giả triển khai từ đầu đến cuối bài thơ; làm nên điều nhiệm mầu mà có thật của tình yêu- tình mẹ.
Bài thơ khai thác hình ảnh bàn tay, lời ru ở hai chiều xúc cảm. Trước hết, bàn tay và lời ru có thể ôm trọn những gì lớn lao, vĩ đại, thậm chí là quá nhiệm mầu. Bàn tay chắn mưa sa, chặn bão qua; cũng như lời ru làm mềm ngọn gió thu, tan đám sương, sóng lặng, mưa không dột chỗ, đời nín cái đau. Mưa, bão, sương gió là những hình ảnh thiên nhiên mang tầm vóc vũ trụ mênh mang, khó nắm bắt, khó chế ngự. Vậy mà với bàn tay và lời ru của mẹ, mọi thứ dường như chịu khuất phục và đi vào “quỹ đạo” riêng.
Hay nói cách khác, nếu theo quy luật bình thường, thì bàn tay không thể chắn nổi mưa rơi, càng không thể chặn bão; cũng như ngọn gió không thể mềm, đám sương không thể tan đi bởi lời ru được.Tất nhiên, gió chướng mùa thu, sương mù giăng lối, sóng to, mưa sa, bão táp trong bài thơ không chỉ dừng lại ở cách hiểu là những hình ảnh thiên nhiên; mà cần hiểu đó là những trắc trở, những gian truân, vất vả của cuộc đời. Hiểu như thế chúng ta lại càng cảm nhận rõ hơn cái nhiệm mầu ở bàn tay và lời ru của mẹ.
Cũng trong mạch thơ đó, lời ru càng nhiệm mầu hơn vì làm cho cái đau của đời cũng ngừng lại, nén lại. Mưa sa, bão táp, giớ chướng, mây mù có là gì so với kiếp nhân sinh với vô vàn nỗi đớn đau, ngang trái. Chẳng phải cuộc đời là bể khổ đó sao? Vậy mà, lời ru à ơi của mẹ có sức mạnh hơn hết thảy, mọi cái rên rỉ, cuồng quay của cuộc đời cũng dừng lại bởi có mẹ. Có gian lao nào, có khổ đau nào của kiếp nhân sinh mà mẹ không thể vượt qua đâu? Chẳng phải, chỉ cần là mẹ thì phức tạp hóa đơn giản, bất hạnh thành hạnh phúc sao?
Nguyễn Thị Hà