Tình thế nan giải của Mỹ ở Biển Đỏ

Thứ 6, 29/12/2023 04:53

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc được cho là đang đi trên than nóng. Nếu Mỹ ngó lơ, tuyến đường Biển Đỏ sẽ bị phong tỏa, khiến các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và châu Á thiệt hại đáng kể. Nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp nửa vời như hiện nay, Washington sẽ không đảm bảo được lối đi an toàn ở Biển Đỏ và bị mất mặt. Cuối cùng, nếu Mỹ buộc phải tấn công Houthi ở Yemen, một sự leo thang nguy hiểm sẽ bùng phát.

Thế giới - Tình thế nan giải của Mỹ ở Biển Đỏ

Tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đỏ ngày 6/11/2023. Ảnh: US Navy

Al Jazeera ngày 27/12 đưa tin, Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng (OPG), liên minh do Mỹ lãnh đạo với ý định cho phép các tàu vận tải quốc tế tiếp tục di chuyển an toàn qua Biển Đỏ, sẽ đi vào hoạt động trong vài ngày tới.

Dù bao gồm các đồng minh từ châu Âu, Trung Đông cũng như Canada và Úc, nhưng OPG lại bị 3 quốc gia lớn thuộc NATO là Pháp, Ý, và Tây Ban Nha "hắt hủi". Nhiều người tự hỏi, nhiệm vụ chính xác của OPG là gì?

"Đảm bảo lối đi an toàn cho các tàu thương mại" - dòng tuyên bố chính thức này từ OPG quá mơ hồ, nhất là với các đô đốc hải quân. Họ muốn các giới lãnh đạo giao cho họ nhiệm vụ chính xác để đạt được kết quả như mong muốn.

Theo Al Jazeera, việc xác định mối đe dọa ở Biển Đỏ lúc này là rất dễ: Tên lửa chống hạm và máy bay không người lái (UAV) các loại mang đầu đạn nổ do phong trào Houthi ở Yemen phóng ra, nhắm đến các tàu buôn giao thông từ hướng kênh đào Suez.  

Ban đầu, Houthi tuyên bố nhằm vào các tàu thuộc sở hữu của Israel. Sau đó, họ mở rộng mục tiêu nhằm vào tất cả các tàu sử dụng cảng của Israel và cuối cùng là tất cả các tàu buôn bán với Israel. Sau nhiều vụ tấn công vào các tàu thương mại (dù được cho là có liên kết mơ hồ với Israel), không quá khi cho rằng, bất kỳ tàu thương mại nào qua Biển Đỏ cũng có thể trở thành mục tiêu bị tấn công.

Toàn bộ tên lửa bị tàu chiến Mỹ và Pháp vô hiệu hóa ở Biển Đỏ cho đến nay đều bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không (SAM) phóng từ tàu. Nhiều quốc gia dự tính tham gia liên minh OPG đều có tàu với khả năng phóng tên lửa SAM tương tự. Hầu hết đều mang tên lửa có thể tấn công các mục tiêu trên biển hoặc đất liền.

Nếu nhiệm vụ của OPG được xác định trong phạm vi hẹp, nghĩa là chỉ để ngăn chặn các cuộc tấn công vào tàu buôn, liên minh này có thể áp dụng nguyên tắc có từ hàng thế kỷ nay. Đó là dùng tàu chiến hộ tống tàu hàng theo đoàn.

Trong một đoàn gồm nhiều tàu vận tải hàng hóa thương mại chậm chạp, không có khả năng tự vệ, di chuyển theo nhiều hàng ở khoảng cách được xác định - được dẫn đầu, bọc hậu bởi các tàu chiến nhanh nhạy, có thể đối phó với các mối đe dọa từ Houthi. 

Cách thức trên được chứng minh có hiệu quả qua các hoạt động của Anh hay nhiều nước khác trong Thế chiến II. Tuy nhiên, nó cũng có hạn chế. Một đoàn tàu thương mại lớn và cồng kềnh sẽ kéo dài hàng km để đảm bảo khoảng cách an toàn và tính cơ động.

Dù các biện pháp bảo vệ được áp dụng như thế nào, các tàu chở dầu và tàu chở container khổng lồ, dài hơn 300m, vẫn là các mục tiêu lớn, dễ bị nhắm tới nhất.

Ngoài ra, truyền trưởng các tàu thương mại nhìn chung không được đào tạo về vận hành tàu thủy theo đoàn và hầu hết không có kinh nghiệm hoạt động theo nhóm lớn hoặc dưới sự chỉ huy của quân đội.

Các tàu chiến hộ tống, ngay cả khi được vũ trang tốt, cũng chỉ mang theo một số lượng tên lửa nhất định và phải có kế hoạch sử dụng số tên lửa này cẩn thận để có thể phân phối đều tên lửa cho tấn công và phòng thủ. Khi hết tên lửa, các tàu chiến cần bổ sung. Thao tác này có thể thực hiện trên biển nhưng sẽ gặp khó khăn và dễ bị tấn công. An toàn nhất là thực hiện ở trên một cảng "thân thiện", nằm ngoài tầm bắn của tên lửa từ phong trào Houthi.

Để vượt qua 463km dọc theo bờ biển Yemen dẫn tới eo biển Bab al-Mandeb (khu vực quan trọng với Israel), với tốc độ giả định là 28 km/h, các tàu thương mại sẽ dễ bị tấn công ngay cả với tên lửa tầm ngắn nhất của Houthi trong ít nhất 16 tiếng.

Thế giới - Tình thế nan giải của Mỹ ở Biển Đỏ (Hình 2).

Các tay súng Houthi chặn bắt tàu chở hàng ở Biển Đỏ ngày 20/11/2023. Ảnh: Getty

Mối đe dọa từ tên lửa của Houthi được cho là rất cao và kho vũ khí của phong trào này khá lớn. Các nhà hoạch định hải quân sẽ phải tính trước khả năng bị tấn công tập trung, kéo dài và từ nhiều hướng.

Điều này đã xảy ra trong cuộc tấn công đầu tiên vào ngày 19/10, khi Houthi phóng 4 tên lửa hành trình và 15 UAV vào tàu khu trục USS Carney của Mỹ hoạt động ở Biển Đỏ. Vụ tấn công kéo dài 9 giờ, buộc thủy thủ đoàn của tàu chiến Mỹ phải liên tục duy trì trạng thái sẵn sàng và tập trung hoàn toàn trong thời gian dài để đánh chặn các tên lửa đang lao tới.

Các đô đốc hải quân trong liên minh OPG sẽ nói với cấp trên của họ rằng, cần phải tấn công vào cơ sở hạ tầng tên lửa của Houthi ở Yemen như các bãi phóng cố định và di động, cơ sở sản xuất và lưu trữ tên lửa, trung tâm chỉ huy hay bất cứ cơ sở hạ tầng radar nào còn tồn tại. Nói cách khác, đây là phản ứng chủ động trước mối đe dọa từ tên lửa của Houthi thay vì chỉ bị động chờ để đánh chặn.

Về lý thuyết, các cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào cơ sở hạ tầng tên lửa của Houthi có thể dựa trên hoạt động trinh sát của vệ tinh và các UAV, kết hợp với việc phóng tên lửa từ Biển Đỏ và Ấn Độ Dương hoặc các UAV có vũ trang từ các căn cứ trên bộ ở xa. Nhưng cơ hội thực tế duy nhất để Mỹ thực hiện thành công hoạt động tấn công này là sử dụng máy bay chiến đấu và máy bay ném bom từ 2 tàu sân bay của Hải quân Mỹ đang hoạt động trong khu vực.

Các cuộc tấn công vào Houthi ở Yemen có lý do quân sự rõ ràng. Nhưng chúng cũng đem đến rủi ro chính trị lớn. Đó là việc thế giới Ả rập coi phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thực sự can thiệp vào xung đột Israel - Hamas và đứng về phía Israel. Vì suy cho cùng, Houthi tuyên bố, các cuộc tấn công của phong trào này ở Biển Đỏ là để buộc Israel phải chấm dứt oanh tạc vào Dải Gaza.

Thế giới - Tình thế nan giải của Mỹ ở Biển Đỏ (Hình 3).

Mỹ bị cho là rơi vào thế khó khi đối phó Houthi ở Biển Đỏ. Ảnh minh họa: AP

Nhận thức được nguy cơ lớn từ diễn biến này có thể khiến xung đột lan rộng ở Trung Đông, Mỹ hành động thận trọng dù Houthi liên tục có các động thái nhắm đến tàu thương mại quốc tế và dọa tấn công tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ. Đồng thời, Washington hợp tác với các cường quốc trong khu vực và gửi thông điệp rằng Mỹ không muốn xung đột leo thang. Thậm chí, Mỹ còn công khai yêu cầu đồng minh Israel chấm dứt xung đột càng nhanh càng tốt  - nhưng không có kết quả.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc được cho là đang đi trên than nóng. Nếu Mỹ ngó lơ, tuyến đường giao thông thương mại ở Biển Đỏ sẽ bị phong tỏa, khiến các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và châu Á thiệt hại đáng kể. Nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp nửa vời như hiện nay, Washington sẽ không đảm bảo được lối đi an toàn ở Biển Đỏ và bị mất mặt. Cuối cùng, nếu Mỹ buộc phải tấn công Houthi ở Yemen, một sự leo thang nguy hiểm sẽ bùng phát.

Ngoài ra, việc 3 quốc gia đồng minh NATO là Pháp, Ý và Tây Ban Nha tuyên bố không gia nhập liên minh OPG cũng khiến Mỹ phải đau đầu. Theo Al Jazeera, Pháp, Ý và Tây Ban Nha tuyên bố họ sẽ "đơn phương" triển khai tàu chiến tới Biển Đỏ, không phải tham gia OPG mà là để bảo vệ các tàu thương mại của 3 nước này. Nếu Hải quân Mỹ tấn công Yemen, châu Âu có thể tuyên bố không góp phần làm leo thang xung đột, đẩy mọi trách nhiệm sang Mỹ.

Nguyễn Thái - Al Jazeera

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star
Tag: Mỹ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.