Kết quả tích cực trong triển khai thi hành Luật
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tòa án nhân dân tối cao về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) ngày 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật là Tòa án nhân dân tối cao đã có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung báo cáo và dự án Luật tại buổi làm việc.
Đồng thời, hoan nghênh các cơ quan của Quốc hội, đại diện các bộ, ngành đã có nghiên cứu kĩ lưỡng, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết với dự án Luật quan trọng này nhất là những nội dung lớn, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những vấn đề xin ý kiến.
Đánh giá khái quát tình hình thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Tòa án được xác định có vị trí trung tâm của các cơ quan tư pháp, xét xử là hoạt động trọng tâm của hoạt động tư pháp.
Do đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có vị trí, vai trò quan trọng trong xác định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp ở nước ta.
Qua hơn 8 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, hệ thống Tòa án đã được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động; đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường.
Mỗi năm, các Tòa án đã xét xử, giải quyết hàng trăm nghìn vụ án, vụ việc các loại. Đặc biệt, Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án lớn, trọng điểm, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được đông đảo dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Trong công tác xét xử, nguyên tắc tranh tụng được chú trọng và bảo đảm thực hiện. Chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc được bảo đảm. Tỉ lệ bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án ngày càng giảm. Việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng tiến bộ.
Đặc biệt là công tác xây dựng thể chế, hướng dẫn và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật được ngành Tòa án chú trọng tăng cường.
Việc phát triển án lệ được quan tâm, đẩy mạnh, đến nay đã lựa chọn và ban hành nhiều án lệ để khắc phục những khoảng trống của pháp luật. Đồng thời, vận hành hiệu quả Trang thông tin điện tử về án lệ.
Việc xây dựng Tòa án điện tử được quan tâm, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức nhiều phiên tòa trực tuyến, công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao, trong đó hiện đã có hơn 1 triệu bản án được công khai trên mạng...
Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với đánh giá của các đại biểu về những khó khăn, bất cập về tổ chức, hoạt động của Toà án nhân dân trong thời gian qua, đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi Luật hiện hành.
Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là dự thảo luật đồ sộ với 151 Điều được bố cục thành 9 Chương. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có nhiều cố gắng để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục quán triệt sâu hơn nữa về việc bám sát chủ trương lớn về cải cách tư pháp trong các Nghị quyết của Trung ương, trong đó quan trọng nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án nhân dân là cơ quan của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền.
Tòa án nhân dân được tổ chức và hoạt động trên nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất phải được bảo đảm khi xây dựng dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và các dự án luật liên quan đến tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Đây cũng là nguyên tắc cần phải được bảo đảm khi quy định về tổ chức, hoạt động của Tòa án cùng với việc cụ thể hóa các nguyên tắc đặc thù khác như bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ yêu cầu xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trong đó, Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là đột phá.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát, tính toán kỹ lưỡng hơn về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật nhất là các luật về hoạt động tư pháp, luật về tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Làm rõ những vướng mắc, tồn tại, hạn chế nào có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật, nhất là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành; vướng mắc, tồn tại hạn chế nào có nguyên nhân từ quá trình tổ chức thi hành Luật, đề ra phương án xử lý phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan hữu quan để nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý, tìm ra phương án tốt nhất, đồng thuận cao về những nội dung lớn, những nội dung còn ý kiến khác nhau để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại buổi làm việc để nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng tiến độ, quy trình và đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình đó tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
Theo dự kiến, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật này tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2023 tới.