Tòa lập khống gần 60 hồ sơ vụ án, có dấu hiệu tội phạm

Tòa lập khống gần 60 hồ sơ vụ án, có dấu hiệu tội phạm

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Chủ nhật, 06/06/2021 20:37

Trong khi nhiều tòa án làm không hết việc, thì tòa Đăk Song lại “khống việc” ra làm. Mục đích để hoàn thành chỉ tiêu hay còn vì động cơ cá nào khác?

Lạ lùng, tòa “vẽ” hồ sơ vụ án để xét xử

Mới đây, ngày 4/6, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông thông tin về quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với 2 lãnh đạo và thẩm phán thuộc Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đắk Song. Lý do, lãnh đạo TAND huyện Đắk Song đã để cán bộ tạo lập gần 60 hồ sơ vụ án dân sự “ảo” mà không có đương sự.

Là người có uy tín, từng có nhiều năm công tác trong cơ quan pháp luật, ông Lương Quang Tuấn - nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao khẳng định: Việc lãnh đạo và thẩm phán tòa Đăk Song tạo lập vụ án dân sự “ảo” để xét xử là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần phải xác minh, làm rõ chí ý chủ quan của nguyên lãnh đạo và thẩm phán tòa Đăk Song, lý do tạo lập hồ sơ “ảo” để xét xử; làm rõ trách nhiệm của những cơ quan liên quan.

Góc nhìn luật gia - Tòa lập khống gần 60 hồ sơ vụ án, có dấu hiệu tội phạm

Ông Lương Quang Tuấn - nguyên là Kiểm sát viên vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự - xã hội thuộc VKSND Tối cao.

Cụ thể, mỗi một vụ án kéo theo đó là rất nhiều các giai đoạn, thủ tục tố tụng khác nhau; nhất là trong giai đoạn đưa vụ án ra xét xử cần thiết phải có sự giám sát của cơ quan công tố.

Theo quy định của pháp luật thì tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động xét xử của tòa án có sự giám sát của VKS cùng cấp. Trường hợp toà án thụ lý vụ án, ban hành các quyết định đình chỉ vụ án hoặc xét xử vụ án thì đều phải thông báo cho viện kiểm sát để xem xét thực hiện việc kiểm sát xét xử, thực hiện chức năng giám sát. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét làm rõ các hồ sơ vụ án này có báo cáo viện kiểm sát hay không và trách nhiệm của VKS cùng cấp, kiểm sát viên được thực hiện như thế nào. Nếu có sai phạm thì cũng phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ việc có dấu hiệu tội phạm

Dưới góc pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng tỏ ra hết sức bất ngờ trước vụ việc này. “Có thể nói rằng, đây là sự việc khá bất ngờ đối với nhiều người, bởi trong khi rất nhiều tòa án làm không hết việc, thì lại có tòa án “bịa việc” ra làm, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch hoặc vì động cơ cá nhân khác của cán bộ Toà án?!”.

Góc nhìn luật gia - Tòa lập khống gần 60 hồ sơ vụ án, có dấu hiệu tội phạm (Hình 2).

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp.

Có lẽ xuất phát từ chỉ tiêu thụ lý, xét xử của thẩm phán trong mỗi năm công tác. Từ chỉ tiêu đầu vụ mà thẩm phán giải quyết hàng năm sẽ liên quan đến công tác cán bộ, chế độ đãi ngộ cũng như chế độ tiêu chuẩn định mức về tài chính đối với tòa án địa phương. Hoặc cũng có thể đây là động cơ cá nhân của một số cán bộ, cá nhân của cơ quan này nhằm hưởng lợi, trục lợi từ nguồn ngân sách nhà nước. Vấn đề này cơ quan chức năng phải làm rõ, dù là sai phạm như thế nào thì cũng phải xem xét những chế tài mà pháp luật đã quy định để xử lý công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Luật sư Cường cho rằng: Với sai phạm nghiêm trọng như vậy thì việc xử lý kỷ luật đảng ở mức khiển trách có vẻ là chưa thỏa đáng hoặc đây chỉ là bước đầu của quá trình xử lý sai phạm chứ chưa phải là kết quả cuối cùng. Về nguyên tắc là khi cán bộ, công chức vi phạm pháp luật thì ngoài việc xử lý kỷ luật đảng, thì sẽ xử lý kỷ luật về mặt chính quyền. Ngoài ra, sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

“Vụ việc sai phạm là rất nghiêm trọng, vụ việc này còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự chứ không đơn giản chỉ là vi phạm kỷ luật cán bộ để nhận hình thức kỷ luật khiển trách là xong”, luật sư nhận định.

Vị luật sư phân tích: Để thụ lý gần 60 vụ án “giả mạo” như thế này thì tòa án này phải ban hành các quyết định về việc thụ lý, quyết định phân công thẩm phán thụ lý giải quyết, quyết định đình chỉ... phải thực hiện việc nộp tạm ứng án phí, phải có đơn thư, chữ ký, chữ viết của đương sự. Chưa kể, để có một hồ sơ vụ án thì sẽ bao gồm rất nhiều tài liệu, chứng cứ trong đó có các giấy tờ của các cơ quan, tổ chức... và các đơn thư văn bản tài liệu của các đương sự trong vụ án. Những vụ án được cơ quan chức năng xác định là không có thật nên các giấy tờ làm căn cứ để thụ lý, giải quyết và đình chỉ sẽ được xác định là các giấy tờ, tài liệu giả.

Hành vi này sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, là nguồn gốc để phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật khác, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Bởi vậy, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có dấu hiệu của Tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo luật sư Cường, trường hợp làm giả các giấy tờ tài liệu để được hưởng lợi như nhận tiền công, tiền lương, tiền phụ cấp hoặc các chế độ đãi ngộ khác của nhà nước, nguồn tiền từ ngân sách nhà nước do cơ quan đơn vị này quản lý thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015.

Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để ban hành các quyết định, bản án, lập các hồ sơ trái pháp luật cũng là hành vi vi phạm về chức vụ gây thiệt hại cho nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên thì có thể xem xét xử lý hình sự về Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015. 

Ngoài ra, hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật, không theo đúng trình tự thủ tục luật định, không có căn cứ thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật...thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong Bộ luật hình sự năm 2015.

Bởi vậy, luật sư Cường cho rằng, sự việc này là nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự của nhiều tội danh theo quy định của BLHS năm 2015 nên cơ quan chức năng cần chuyển hồ sơ vụ việc sang Cục điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét xử lý đối với sai phạm của một số cán bộ, cá nhân có liên quan trong vụ việc nêu trên.

Tư Viễn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.