Sau khi xét hỏi các bị cáo và người bị hại, HĐXX nhận thấy có nhiều tình tiết trong hồ sơ của vụ án chưa được làm rõ nên quyết định trả hồ sơ để cơ quan chức năng điều tra bổ sung các nội dung như: Làm rõ số tiền mà vợ bị cáo Huỳnh Hữu Tường (33 tuổi; ngụ Tp.HCM, chủ mưu cầm đầu vụ án) đã sử dụng trong quá trình mà bị cáo Tường thực hiện hành vi phạm tội; làm rõ hành vi của Văn phòng công chứng Nguyễn Duy Tâm (tỉnh Đồng Nai) trong quá trình thực hiện công chứng các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản; làm rõ về số tiền thiệt hại trong vụ án...
Lập công ty bán dự án ma
Theo cáo trạng, Huỳnh Hữu Tường đã thành lập Công ty TNHH đầu tư môi giới bất động sản Vạn Phúc, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh Lộc Phúc và Công ty TNHH Bất Động Sản Green Link Real (đều ở Tp.HCM) nhưng thuê Nguyễn Văn An (32 tuổi) làm Tổng Giám đốc. Huỳnh Hữu Tường là chủ mưu và giữ vai trò cầm đầu vụ án.
Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến tháng 8/2023, bị cáo này đã thuê Nguyễn Văn An làm Tổng Giám đốc, có nhiệm vụ điều hành toàn bộ hoạt động công ty.

Bị cáo Huỳnh Hữu Tường (trái) và bị cáo Nguyễn Văn An tại tòa.
Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Huỳnh Tường, nhân viên Công ty Lộc Phúc và Green Link Real đã tự dựng lên các "dự án ma" bằng cách in ấn sơ đồ, chia tách thửa đất giả trên máy tính, đặt tên khu dân cư không có thật.
Họ liên kết với chủ đất hoặc mua đất ở Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất (Đồng Nai cũ), rồi lập bản vẽ, đăng tin giả bán đất giá rẻ lên mạng xã hội, Chotot.com… để chiêu dụ khách hàng với lý do “thanh lý ngân hàng”, “bán gấp đi định cư”.
Nhóm này còn tuyển sinh viên làm nhân viên, sử dụng tên giả và sim rác để liên hệ khách. Khi khách quan tâm, họ mời đi “tour du lịch mua sắm” miễn phí, nhưng thực chất là chở đi xem đất. Trên đường, xe bị kéo rèm che kín lộ trình.
Tại “dự án”, công ty dàn dựng cảnh náo nhiệt, thuê người đóng giả khách hàng để thao túng tâm lý và dụ khách đặt cọc. Sau khi giao dịch, các đối tượng lập tức hủy sim, cắt liên lạc nhằm xóa dấu vết.

Bị cáo Dương Thúy Hằng, "chim mồi" lừa khách mua dự án của Công ty Lộc Phúc tại phiên tòa.
Ngoài chiêu trò quảng cáo giả, nhóm lừa đảo còn mua gói dữ liệu chứa thông tin cá nhân, số điện thoại của người từng mua hàng từ các thương hiệu lớn. Họ chia nhau gọi điện, giả danh nhân viên các nhãn hàng để mời khách tham gia “chương trình tri ân” – thực chất là dụ đi xem đất “ma”.
Khi khách đồng ý và chuyển nhượng đất, nhóm lừa tiếp tục dựng kịch bản diễn viên giả khách hàng hứa mua lại để kiếm lời. Tuy nhiên, sau khi giao dịch xong, khách không thể liên lạc lại – số điện thoại bị chặn hoặc viện lý do từ chối.
Thuê diễn viên làm "chim mồi"
Xét hỏi tại toà, bị cáo Huỳnh Hữu Tường không thừa nhận chỉ đạo nhân viên “đạo diễn” các thủ đoạn lừa bán đất. Việc thuê diễn viên “chim mồi” là muốn làm cho thị trường mua bán bất động sản sôi động mà không nhằm mục đích lừa đảo khách hàng...
Cáo trạng nêu rõ tại công ty, các nhân viên môi giới sẽ để khách hàng gặp người có nhu cầu mua lại suất cọc (diễn viên đóng giả khách hàng được Công ty Lộc Phúc thuê được bố trí sẵn).
Để tạo lòng tin cho bị hại, các nhân viên đóng vai khách hàng giả sẽ cầm theo túi tiền từ 500 triệu - 1 tỷ đồng và đưa ra điều kiện để mua lại suất cọc các lô đất, thì phải có “Hợp đồng đặt cọc” lô đất với Công ty Lộc Phúc.
Khi khách hàng gặp, nhân viên công ty sẽ yêu cầu khách muốn có “Hợp đồng đặt cọc” thì phải chuyển số tiền tương ứng từ 60% - 70% giá trị đất (giá trị đất cao gấp nhiều lần giá thị trường).

Bị cáo Dương Hữu Đức (áo xanh), Giám đốc kinh doanh Công ty Lộc Phúc tại phiên tòa.
Sau khi khách ký "hợp đồng đặt cọc" với Công ty Lộc Phúc (thực chất là với cá nhân như Nguyễn Văn An), "diễn viên" đóng giả khách mua đất sẽ yêu cầu làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên, sau khi khách hoàn tất chuyển nhượng, người mua giả biến mất hoặc viện lý do từ chối.
Khi kiểm tra thực địa, khách phát hiện đất được giao không đúng như giới thiệu, giá trị thực chỉ bằng 1/3. Khi khiếu nại, công ty đổ lỗi ngược lại cho khách, chối bỏ trách nhiệm.
Từ 12/2021 đến 8/2023, Huỳnh Hữu Tường cùng đồng phạm đã lừa 165 người trong 159 vụ, chiếm đoạt hơn 255 tỷ đồng. Đến nay mới khắc phục được hơn 15 tỷ, còn lại hơn 157 tỷ đồng bị chiếm đoạt.