Tôi đi xe ôm Paris

Tôi đi xe ôm Paris

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Tương quan giữa cung và cầu ở taxi Paris rất kỳ quặc: Quá ít, dịch vụ quá không thân thiện, gặp phải quá nhiều khách hàng tuyệt vọng, những người phải chịu đựng tất cả để được chở đi trong một chiếc Peugeot tồi tàn.

Trong Fashoin Week vào đầu tháng 10, hoặc là người ta nói với chúng tôi rằng đoạn đường đi quá ngắn (vì thế mà ông ấy đã tự phát đưa ra giá tối thiểu là 7 euro), hay người ta từ chối chở đi một cách đơn giản vì "quá nhiều giao thông", chúng tôi nên đi hỏi đồng nghiệp khác của ông ấy. Nhưng những đồng nghiệp khác lại không bao giờ có! Tôi thật muốn đánh cược rằng phần lớn tài xế chỉ vì chán chường mà lái xe rông cả ngày với biển báo xe đang có khách được bật lên, phớt lờ tất cả những người khách đang vẫy tay.

Ảnh: Sandra Semburg

Thứ ba vừa rồi tôi phải đến Paris để phỏng vấn, tức là đúng vào lúc tổng đình công chống cải cách chính sách hưu trí, và người Pháp rất biết cách đình công, điều này thì tôi biết rõ: chuyến bay của tôi sẽ không đúng giờ, tàu hỏa ngưng chạy, đường cao tốc hoàn toàn tắc nghẽn. Thế là tôi đặt trước trong Internet một chuyến xe ôm, sự lựa chọn khác để đến đúng giờ ở Paris một cách chắc chắn nhất, và ngoài ra là một "chuyến đi kamikaze vô trách nhiệm", theo như bố tôi bình luận. Nhưng điều gì mà cô bạn gái có 2 con của tôi làm được thì tôi chắc chắn cũng sẽ làm được.

Tôi đã chuẩn bị tinh thần để gặp một chàng trai trẻ tuổi liều mạng, thế nhưng chờ tôi ở sân bay là Frederic lại là một bác tuổi khoảng hơn 50, tóc bạc, 35 năm kinh nghiệm nghề nghiệp, Clint Easwood trong số những người lái môtô. Trông có vẻ đáng tin cậy đến mức phải ngạc nhiên. Và cũng ngạc nhiên là: rất thân thiện! Frederic đưa cho tôi một cái lưới bọc tóc, áo khoác đi xe môtô và găng tay, kiểm tra xem mũ có vừa không và khen hành lý xách tay của tôi gọn nhẹ. Thế thì có thể chạy nhanh hơn, vì nếu có va ly, ông ấy chỉ chạy được có 180km/h (quá tài giỏi!).

5 phút sau đấy, chúng tôi chạy với 148 km/h trên đường cao tốc, ngang qua những tấm biển giao thông có chữ "Cảnh báo!". Vì ngồi ở sau cao hơn người lái nên có thể nhìn thấy đồng hồ tốc độ, nhưng tôi không chắc đấy có phải là điều tốt cho tâm lý hay không.

Thật ra thì xe ôm chỉ là một môn thể thao cho những người già thôi – cho đến khi kẹt xe, lúc đó mới bắt đầu thú vị. Chạy vượt qua những chiếc ô tô đang xếp hàng dài, cho đến khi một chiếc xe tải chắn đường ở đâu đó, rồi người ta chuyển thật nhanh sang một ngõ hẻm khác. Hay chạy hình chữ chi, sau này là môn tôi thích nhất, ít nhất là khi người ta tin rằng dân lái ô tô ở Pháp đã quá quen với những anh chàng phóng mô tô như điên dại và không bất thình lình đổi làn xe.

Sau khoảng 20 phút chúng tôi đã đến Père Lachaise. Phần còn lại chỉ là trò trẻ con: chạy trên đường dành riêng cho xe buýt, thỉnh thoảng vượt mặt trên làn dành cho xe chạy ngược chiều, lúc thì chạy trên lề đường, việc mà ngay đến những người đã lên chức bà cũng làm ở Paris. Lúc gần đến Palais Royal, Frederich gọi với ra phía sau "Are you okay?", điều mà tôi cố khẳng định bằng cách gật đầu lia lịa và ngoác miệng cười vào kính chiếu hậu của ông ấy – muốn giơ ngón tay cái lên thì phải buông tay ra, đến lần sau thì tôi mới điên tới mức đó.

Silke Wichert

Phan Ba dịch