Vừa qua, Bộ GTVT và Đảng ủy Khối doanh nghiệp TW tổ chức lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ tại Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).
Theo đó, ông Phạm Hoài Chung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy kể từ ngày 4/9.
Trước đó, do biến động nhân sự, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang được giao tạm thời phụ trách HĐTV SBIC trong thời gian Bộ GTVT thực hiện quy trình kiện toàn nhân sự kể từ ngày 19/1.
Ông Phạm Hoài Chung sinh năm 1976, là Tiến sĩ Quản lý xây dựng giao thông và MBA quản trị kinh doanh.
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV SBIC, ông Chung có thời gian dài là Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT.
Ông Chung có trên 15 năm kinh nghiệm tham gia xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển ngành GTVT, quy hoạch cảng biển, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa cũng như các Đề án phát triển đội tàu biển, các cơ sở công nghiệp đóng tàu…
Ông Phạm Hoài Chung ngồi "ghế nóng" của SBIC giữa bối cảnh những công việc công ty cần xử lý còn rất ngổn ngang. Phát biểu nhận nhiệm vụ mới, ông Chung cho rằng, đây là nhiệm vụ to lớn, cũng là trách nhiệm lớn lao trước Đảng uỷ, Bộ GTVT và hơn 8.000 người lao động của SBIC, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức khi các doanh nghiệp của TCT đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu hụt nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng xuống cấp…
Hiện nay Bộ GTVT và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC đang tổ chức triển khai Nghị quyết số 220/NQ-CP ngày 22/12/2023 của Chính phủ về Kế hoạch tổ chức thực hiện Thông báo số 23-TB/TW ngày 28/12/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý SBIC.
Theo Nghị quyết số 220, đối với Công ty mẹ SBIC và 7 công ty con (các Công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn), các cơ quan bộ, ngành liên quan phải khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện là dự kiến từ quý I/2024.
Đối với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm sẽ thu hồi phần vốn góp của Công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm trong quá trình phá sản Công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.