Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, lây lan nhanh cùng với tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường nhưng bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2022 của Việt Nam vẫn cho thấy mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.
Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê sau khi buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý I/2022 kết thúc, để cùng đánh giá lại tình hình kinh tế cả nước trong quý đầu năm nay.
Kết quả khởi sắc ngay từ quý đầu năm
NĐT: Có thể thấy qua những con số được công bố thì tình hình kinh tế - xã hội trong quý I/2022 rất đáng chú ý. Vậy thưa bà, đâu là điểm sáng để đóng góp cho bức tranh tăng trưởng này, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ, sự đóng góp trở lại của rất nhiều ngành nghề?
Bà Nguyễn Thị Hương: Có thể nói, bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2022 của chúng ta được ghi nhận bởi những chỉ số rất tích cực.
Thấy rõ nhất là mức tăng trưởng GDP quý I là 5,03%, vượt qua tăng trưởng của quý I/2021 và quý I/2020. Theo đó, tại các khu vực, thì khu vực 1 vẫn đảm bảo được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, khu vực 2 là công nghiệp và xây dựng vẫn giữ được mức tăng trưởng 6,4%, tương đương với cùng kỳ và vẫn là động lực của nền kinh tế.
Đặc biệt là khu vực 3 đã vượt qua mức tăng trưởng so với quý I/2020, quý I/2021, đảm bảo được vai trò kết nối giữa cung – cầu cũng như đảm bảo được các huyết mạch của nền kinh tế.
Điểm sáng thứ hai là vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng rất mạnh, ở cả khu vực trong nước, ngoài nhà nước, vốn FDI với tăng trưởng chung bình quân lên đến 9%. Đây thực sự là một trong những điểm khẳng định được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Điểm sáng thứ ba là xuất nhập khẩu của chúng ta vẫn giữ được tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,4% trong bối cảnh rất khó khăn của nền kinh tế như việc kết nối thị trường, những biến động về địa chính trị như giá xăng dầu tăng cao. Điều này khẳng định được chúng ta vẫn đảm bảo kết nối cung – cầu với thế giới.
Điểm sáng thứ tư là chúng ta đã vượt qua được bão giá của khu vực và thế giới với CPI đạt 1,92% - là mức khá thấp trong khu vực.
Điều này cho thấy chúng ta đã khai thác được những lợi thế từ nguồn cung trong nước cũng như đảm bảo cân đối được xuất – nhập xăng dầu và khai thác được sản xuất trong nước, cũng như kiểm soát được giá cả ở thị trường trong nước, không để đột biến, cùng với các chính sách hiệu quả, thiết thực, không gây áp lực lên nguồn cung.
Và điểm sáng thứ năm là việc mở cửa du lịch mới có 15 ngày nhưng đã kích hoạt được cả hệ thống dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải hàng hoá cũng như là tổng mức bán lẻ với mức tăng khích lệ trong thời gian ngắn. Tôi hi vọng đây sẽ là những tiền đề để chúng ta có bước đột phá trong quý II, quý III và trong thời gian tới.
NĐT: Cũng phải đánh giá rằng bên cạnh những kết quả đạt được thì chúng ta đã gặp những thách thức không nhỏ trong bối cảnh biến động của thế giới, từ giá cả cho đến nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp, cũng như biến động về chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà đánh giá như thế nào về thách thức trong nguồn cung thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Hương: Những kết quả tích cực của quý I/2022 như tôi đã nói cũng chính là những niềm tin để chúng ta tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức không nhỏ trong thời gian tới. Bởi chúng ta tiếp tục phải đảm bảo ổn định được những nguồn cung quan trọng như năng lượng, nguyên vật liệu như sắt, thép cũng như giá thức ăn chăn nuôi, phân bón.
Để làm được điều này, chúng ta phải tăng cường đảm bảo nguồn cung và đặc biệt là khơi thông được cầu kết nối ở trong nước và quốc tế. Dịch vụ kết nối cung cầu cũng là những điểm chúng ta phải hết sức lưu ý. Việc đảm bảo được nguồn cung, tôi cho rằng chúng ta phải khai thác được lợi thế của Việt Nam là vừa có xuất, vừa có nhập xăng dầu.
Về dài hạn, phải xem xét để chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng, năng lượng, chuyển sang năng lượng xanh, bền vững từ tự nhiên, không gây ô nhiễm. Còn trong ngắn hạn, vẫn phải đảm bảo nguồn cung trong nước đối với các mặt hàng hoá liên quan đến sản xuất như xăng, dầu, sắt, thép, xi măng, các nguyên vật liệu cho hoạt động nông nghiệp.
Đặc biệt, cũng phải xem xét khai thác thị trường trong nước và các bạn hàng truyền thống trong bối cảnh Việt Nam đã giữ được niềm tin của các đối tác.
Điều kiện để doanh nghiệp thử sức chống chịu
NĐT: Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng như doanh nghiệp đăng ký mới trong 3 tháng đầu năm rất ấn tượng, tuy nhiên vẫn có rất nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Bà lý giải thế nào về những con số này và nó sẽ là một chỉ báo thế nào cho việc hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?
Bà Nguyễn Thị Hương: Bình quân doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm doanh nghiệp mới và trở lại thị trường) là khoảng 20.000 doanh nghiệp/tháng. Còn doanh nghiệp rút lui là khoảng 17.000 doanh nghiệp/tháng. Như vậy, số doanh nghiệp gia tăng là 3.000 doanh nghiệp. Con số này đã cân bằng, quay trở lại so với giai đoạn trước đây, trước khi có dịch.
Lý giải về việc tại sao số doanh nghiệp gia nhập tăng thêm và số doanh nghiệp giải thể cũng tăng, thì đây chính là điều kiện để doanh nghiệp thử sức chống chịu cũng như việc tái cơ cấu hoạt động trước biến động rất nhanh và phức tạp của nền kinh tế.
Đối với các doanh nghiệp thì chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, đa số có vốn dưới 10 tỷ đồng, nên việc chuyển đổi cũng như tái cơ cấu doanh nghiệp giữa các ngành nghề cũng hết sức linh hoạt. Đây là những phản ứng hết sức bình thường và cũng cần thiết với doanh nghiệp trong việc lựa chọn ngành nghề cho từng giai đoạn.
NĐT: Vậy với số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp FDI bị sụt giảm thì điều này có đáng lo ngại không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Vốn đăng ký đầu tư thực ra cũng rất quan trọng nhưng việc thực hiện được số vốn đã đăng ký mới quan trọng hơn cả. Vốn thực hiện của FDI trong quý I/2022 cũng ấn tượng với 4,4 tỷ USD, cao nhất trong vòng 5 năm qua, cho thấy chúng ta đã và đang giữ chân được các nhà đầu tư.
NĐT: Nói về sự điều hành của Chính phủ thời gian qua, theo bà, đâu sẽ là điểm sáng trong sự điều hành và tác động tích cực của những sự điều hành này ra sao?
Bà Nguyễn Thị Hương: Có thể thấy, sự điều hành của Chính phủ thời gian qua đều được thể hiện qua việc rất sát sao, quyết liệt đối với các chính sách được ban hành.
Ngay từ khi có biến động xung đột giữa Nga – Ukraine, các hiện tượng găm hàng, tăng giá xăng dầu cũng đã được ngăn chặn kịp thời, giữ được niềm tin của nhân dân. Đồng thời, Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng xăng dầu trong nước.
Chúng ta cũng thấy rất rõ việc điều hành linh hoạt qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chúng ta không đẩy tiền ra lưu thông, chúng ta không tạo thêm áp lực mà thay vào đó giảm trừ trực tiếp cho người được thụ hưởng. Với cách làm nhanh, hiệu quả và tránh được những rủi rõ trực tiếp cho người lao động, giảm thuế VAT với mặt hàng thiết yếu 2% cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, nhằm giữ được nguồn lực, lực lượng lao động cho sản xuất.
Trong thời gian tới, tôi tin rằng các gói phục hồi sẽ phát huy hiệu quả. Bởi hiện nay, bước đầu chúng ta đang chuẩn bị theo các thủ tục, quy trình của các gói đầu tư cũng như gói hỗ trợ. Do đó, rất đáng để trông chờ tính hiệu quả hơn, sự đột phá hơn trong quý II, quý III.
Vẫn còn nhiều thách thức trong quý II
NĐT: Gợi ý những giải pháp để tiếp tục phục hồi và phát triển nền kinh tế, bà có điều gì muốn chia sẻ?
Bà Nguyễn Thị Hương: Bước sang quý II/2022, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu.
Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, cần tập trung một số nội dung trọng tâm, trong đó cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ, đặc biệt bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao tạo động lực thúc đẩy kinh tế.
Kiên trì, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Tiếp đến là cần thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước. Đồng thời đẩy nhanh các dự án về điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi sản xuất tăng cũng như nhu cầu của người dân nhất là trong những tháng hè sắp tới.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp.