Tổng giám đốc VNDIRECT: Rủi ro Trung Nam "nằm trong kế hoạch lựa chọn doanh nghiệp"

Phạm Hồng Nhung

Phạm Hồng Nhung

Thứ 7, 17/06/2023 16:13

Chủ tịch HĐQT của VNDIRECT cho biết, công ty cần những nhà đầu tư chiến lược để tìm kiếm người đồng hành, tiếp thêm năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Sáng 17/6, CTCP Chứng khoán VNDIRECT (HoSE: VND) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với sự tham gia của trên 50% số cổ đông tham dự, qua đó đáp ứng điều kiện tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Mục tiêu thận trọng hơn

Với những nhận định và dự báo về thị trường 2023 với các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen có nguy cơ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt nam, Ban lãnh đạo nhận định rằng năm 2023 sẽ tiếp tục là một nằm đầy thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội.

Bà Phạm Minh Hương, Tổng giám đốc của VNDIRECT cho biết, năm 2023 công ty đưa ra định hướng và các kịch bản kinh doanh thận trọng hơn so với năm 2022, cụ thể công ty sẽ tiếp tục tập trung chiến lược cốt lõi vào mảng dịch vụ đầu tư đa kênh cho khách hàng cá nhân.

Bên cạnh đó, công ty cũng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao phát triển hệ thống quản trị nội bộ giúp cân bằng giữa lợi ích kinh tế và rủi ro.

HĐQT của công ty cùng Ban điều hành đã thống nhất đặt ra mục tiêu kinh doanh trong năm 2023 là tăng trưởng thị phần môi giới đạt mức cao hơn; lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ là 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 17% so với thực hiện năm 2022.

Phát hành thêm cổ phiếu bổ sung nguồn vốn

Theo đó, năm 2023 công ty sẽ phát hành cổ phiếu gần 244 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến từ 1-5 nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch HĐQT của VNDIRECT, công ty cần những nhà đầu tư chiến lược để tìm kiếm người đồng hành, tiếp thêm năng lực quản trị của doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ hội của thị trường vốn nhiều, mở rộng nguồn vốn là điều kiện tiên quyết để duy trì cạnh tranh, trước áp lực của thị trường và các công ty chứng khoán khác có vốn của ngân hàng.

Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ được phân bổ sử dụng cho các hoạt động của VNDIRECT, gồm 20% dùng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán; 50% cho hoạt động đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường; 20% cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và 20% cho hoạt động phân phối chứng quyền có bảo đảm.

Đối với phương án phát hành cổ phiếu ESOP, công ty tiếp tục chào bán hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng gần 244 tỷ đồng. Nguồn vốn thu được từ phát hành cổ phiếu dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động, tương ứng 1% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá trị theo mệnh giá gần 122 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu theo BCTC kỳ gần nhất được kiểm toán. Cổ phiếu thưởng chỉ được chuyển nhượng tối đa là 50% kể từ sau khi kết thúc thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Tài chính - Ngân hàng - Tổng giám đốc VNDIRECT: Rủi ro Trung Nam 'nằm trong kế hoạch lựa chọn doanh nghiệp'

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông VNDIRECT.

Cuối cùng, VNDIRECT sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 5:1, cổ đông sở hữu mỗi 5 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới. Tổng lượng cổ phiếu chào bán là gần 244 triệu đơn vị, giá bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Chủ tịch của VNDIRECT cũng thông báo công ty sẽ ngừng trả cổ tức tiền mặt, đồng thời công ty sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỉ lệ 5%. Với số cổ phiếu đang lưu hành như hiện nay, VNDirect sẽ phát hành thêm hơn 60 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.

Như vậy, nếu hoàn tất 100% các kế hoạch, công ty sẽ phát hành thêm hơn 585 triệu cổ phiếu mới. Vốn điều lệ của VNDIRECT sẽ tăng từ 12.178 tỷ đồng lên trên 18.024 tỷ đồng.

Nếu không có phí sẽ không "nuôi" được đội ngũ chuyên gia

Về việc mua lại trái phiếu của Trung Nam Group, bà Phạm Minh Hương - Tổng giám đốc VNDIRECT có trả lời cổ đông rằng, công ty nhận bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Trung Nam vì nhận thấy đây là doanh nghiệp có tiềm năng. Tuy nhiên, sau hàng loạt sự kiện liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, cũng như sự kiện Vạn Thịnh Phát xảy ra, hay vụ việc kiên quan đến việc thu mua điện, đó là những rủi ro hệ thống.

“Do đó, rủi ro của Trung Nam, chúng tôi đánh giá đây chỉ là rủi ro tạm thời của thanh khoản, mô hình kinh tế, của chính sách, và điều này cũng nằm trong kế hoạch lựa chọn doanh nghiệp bảo lãnh phát hành của VNDIRECT”, bà Hương phát biểu.

Tuy nhiên, bà cho biết công ty không lường trước được sự bán lại của nhà đầu tư, thêm vào đó, việc xử lý của bộ phận nguồn vốn chưa được tốt. Do vậy, VNDIRECT buộc phải mua lại 1 lượng trái phiếu khổng lồ vào thời điểm sau vụ Vạn Thịnh Phát xảy ra.

Mặt khác, trong quá trình bán trái phiếu, việc bán cũng không đúng bản chất của trái phiếu doanh nghiệp. Vì những sự việc như vậy, VNDIRECT buộc phải đưa ra những quyết định bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ thị trường.

Bà Hương cũng trấn an cổ đông rằng, các giao dịch của VNDIRECT với Trung Nam đều được nghiên cứu kỹ và đồng bảo lãnh phát hành với Ngân hàng Vietcombank.

Tài chính - Ngân hàng - Tổng giám đốc VNDIRECT: Rủi ro Trung Nam 'nằm trong kế hoạch lựa chọn doanh nghiệp' (Hình 2).

Bà Phạm Minh Hương - Tổng giám đốc VNDIRECT.

Hiện nay, tình hình thiếu điện diễn ra hiện nay đã khiến hầu hết các nhà máy của Trung Nam được yêu cầu hoạt động tối đa công suất, do đó các nhà máy đều có dòng tiền dương. Công ty cũng nhận thấy năng lượng vẫn là mảng có tiềm năng, phục vụ nhu cầu thiết yếu, vì vậy về dài hạn không quá lo ngại.

Lượng tài sản đảm bảo mà VNDIRECT đang nắm giữ ví dụ như lượng lớn platform của mảng năng lượng vẫn được đảm bảo, đây vẫn là mảng tiềm năng của nền kinh tế.

Còn về ngắn hạn, nhờ nguồn vốn của VNDIRECT khá lớn, khi môi trường lãi suất giảm, nhà đầu tư chứng khoán đã quay lại thị trường, khiến công ty giảm bớt áp lực về thanh khoản.

Đối với xu hướng zerofee hiện nay, lãnh đạo của VNDIRECT cho biết, chiến lược giảm phí sẽ luôn được chú trọng, nhưng nếu không có phí sẽ không “nuôi” được đội ngũ chuyên gia làm nghề tư vấn. Nếu nhà đầu tư muốn tham gia thị trường lại cần rất nhiều sự hỗ trợ từ đội ngũ đó.

Thêm vào đó, việc mở rộng thị phần đối với VNDIRECT lại lựa chọn chiến lược dài hạn, giữ nhà đầu tư ở lại thị trường cũng như xây dựng nếp sống đầu tư, thay vì vào thị trường quá nhanh và quá dễ dàng, thì cũng sẽ sớm rời bỏ thị trường.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.