Zalo hiện không chỉ được sử dụng để liên lạc, làm việc mà còn trong các hoạt động sống thường ngày khác như tra cứu thông tin điện nước, theo dõi tin tức từ chính quyền địa phương, đăng ký làm căn cước công dân... Để tài khoản Zalo được tăng cường riêng tư và tối ưu bảo mật, bạn chỉ cần thiết lập các tính năng được trang bị sẵn với vài bước cơ bản.
Mã hóa đầu cuối cho trò chuyện
Mã hóa đầu cuối (E2EE) hiện là phương thức được người dùng toàn cầu đánh giá bảo mật nhất, nhiều ứng dụng nhắn tin phổ biến trên thế giới cũng sử dụng.
Tháng 5 vừa qua, Zalo chính thức ra mắt tính năng mã hóa đầu cuối, tăng cường bảo vệ thông tin người dùng. Theo đó, khi nâng cấp E2EE cho trò chuyện, mọi tin nhắn sẽ được mã hóa thành chuỗi kí tự đặc biệt, không có ý nghĩa ngay trên máy người dùng. Điều này đảm bảo rằng ngoài máy người gửi và nhận, không một thiết bị nào khác có thể giải mã và đọc được nội dung tin nhắn.
Khi nâng cấp mã hóa đầu cuối, mọi tin nhắn đều được mã hóa thành chuỗi kí tự đặc biệt, tối ưu bảo mật.
Tính năng này được Zalo xây dựng và phát triển dựa trên giao thức mã nguồn mở Signal Protocol. Đây là giao thức quốc tế được hầu hết ứng dụng nhắn tin hàng đầu thế giới sử dụng cho E2EE. Rất nhiều chuyên gia công nghệ uy tín toàn cầu cũng đã kiểm định và bảo chứng về chất lượng, độ bảo mật của Signal Protocol trong nhiều năm qua.
Để nâng cấp mã hóa đầu cuối, trong cuộc trò chuyện bạn vào phần “Tùy chọn” (dấu 3 gạch), sau đó chọn “Mã hóa đầu cuối” và xác nhận “Nâng cấp mã hóa đầu cuối”.
Nâng cấp mã hóa đầu cuối trên điện thoại trong vài bước.
Xóa tin nhắn tự động
Với những thông tin quan trọng chỉ muốn chia sẻ trong khoảng thời gian nhất định, ngoài thu hồi thủ công, bạn có thể thiết lập tin nhắn tự xóa để nội dung trao đổi tự động biến mất từ cả hai phía người gửi và nhận. Trên Zalo, bạn có thể cài đặt tin nhắn tự xóa trong khoảng thời gian 1, 7 hoặc 30 ngày tùy nhu cầu.
Để bật tính năng tin nhắn tự xóa trên điện thoại, bạn vào mục “Tùy chọn” trong cuộc trò chuyện, bấm vào phần “Tin nhắn tự xóa” và đặt thời gian rồi lưu. Tính năng này phù hợp với những ai thường xuyên chia sẻ thông tin về mật khẩu, tài chính, hồ sơ sức khỏe, chuyện gia đình, công việc quan trọng...
Người dùng có thể bật và tắt tin nhắn tự xóa theo nhu cầu sử dụng của mình.
Khi không còn nhu cầu sử dụng, bạn thao tác tương tự và chọn “Không tự xóa” ở bước thiết lập thời gian.
Quản lý nguồn kết bạn cho tài khoản
Trên Zalo, người dùng có thể kết bạn qua số điện thoại, thuận tiện giao tiếp trực tuyến. Ngoài ra, bạn còn có thể gửi lời mời kết bạn thông qua mã QR, nhóm chung, danh thiếp, đề xuất bạn bè, username...
Trong vài hoàn cảnh sử dụng, để đảm bảo trải nghiệm riêng tư, bạn có thể kiểm soát cách người khác tìm thấy tài khoản của mình.
Cách quản lý nguồn kết bạn khá đơn giản, bạn chọn “Quyền riêng tư” trong “Cài đặt”, sau đó bấm vào “Nhận lời mời kết bạn từ các nguồn”. Tại đây bạn có thể tắt bớt một số nguồn không muốn người khác tìm thấy mình.
Tắt bớt các nguồn kết bạn không mong muốn để quản lý danh bạ tốt hơn.
Ẩn trạng thái hoạt động, đã xem
Trạng thái hoạt động của tài khoản Zalo được hiển thị ngay dưới tên người dùng trong cuộc trò chuyện cá nhân, thông báo vừa truy cập hay đã truy cập bao lâu trước đó.
Tính năng này có tùy chọn bật hoặc tắt, do vậy trong những trường hợp cần tập trung hơn bạn có thể ẩn trạng thái hoạt động.
Để thiết lập, bạn vào “Quyền riêng tư” trong “Cài đặt”, tắt “Hiển thị trạng thái truy cập”. Khi đó, bạn bè trên Zalo sẽ không thấy lần truy cập gần nhất của bạn, đồng thời bạn cũng không thấy trạng thái trực tuyến của người khác.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tắt hiển thị trạng thái đã xem cho tài khoản Zalo bằng cách vào “Cài đặt”, chọn “Quyền riêng tư” và tắt mục “Hiển thị trạng thái Đã xem”.
Tính năng tùy chỉnh trạng thái hoạt động trên Zalo giúp người dùng có trải nghiệm riêng tư hơn.
Chỉ mất vài phút thiết lập các tính năng được tổng hợp trong bài viết này, tài khoản Zalo của bạn sẽ được tối ưu riêng tư và bảo mật, giúp nâng cao trải nghiệm khi sử dụng.
Thảo My