Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn đang nắm quyền cho đến năm 2027.
Ông Macron hôm 29/2 vẫn giữ nguyên quan điểm gây tranh cãi khi về việc phương Tây không loại trừ khả năng gửi quân đến Ukraine. Điều này dẫn đến những tuyên bố trái ngược trong nội bộ NATO.
Phát biểu bên lề chuyến thăm làng Olympic 2024 ở gần Paris, ông Macron từ chối rút lại tuyên bố, bất chấp hàng loạt chỉ trích từ đồng minh. “Đó là vấn đề nghiêm trọng. Mỗi lời tôi nói về vấn đề này đều được cân nhắc, suy nghĩ kỹ lưỡng”, ông Macron nói.
Hôm 26/2, ông Macron nói phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine và sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn Nga giành chiến thắng. "Mặc dù chưa có sự đồng thuận chính thức, chúng ta không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào", ông Macron nói.
Hầu hết các nước thành viên NATO sau đó đều khẳng định không có ý định gửi quân đến Ukraine, ngoại trừ Estonia và Lithuania, hai quốc gia ở vùng Baltic.
"Chúng ta không nên nghi ngờ về chính sức mạnh của chúng ta (NATO). Nga nói đây là động thái leo thang nhưng phòng thủ không phải là leo thang", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói. "Tôi nói rằng chúng ta nên cân nhắc mọi lựa chọn. Liệu chúng ta có thể làm thêm điều gì nữa để giúp Ukraine?".
Trước đó, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis kêu gọi NATO "suy nghĩ rộng hơn". Thụy Điển, quốc gia sắp trở thành thành viên chính thức của NATO, cảnh báo có thể "vô hiệu hóa" vùng Kaliningrad của Nga nếu "Mocsow thách thức NATO".
Nga đã chỉ trích mạnh mẽ bình luận của Tổng thống Macron, cảnh báo phương Tây về những động thái leo thang thù địch. Phát ngôn viên Điện Kremlin nói một khi binh sĩ NATO thực sự được triển khai ở Ukraine, cuộc xung đột giữa Nga và NATO là "không thể tránh khỏi".
Đăng Nguyễn - RT