Tổng thống Pháp Macron phản đối kế hoạch NATO mở rộng sang châu Á

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 3, 06/06/2023 11:10

Pháp không sẵn sàng ủng hộ bất kỳ chính sách nào “góp phần gây căng thẳng giữa NATO và Trung Quốc”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từ chối phê duyệt kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản, cho rằng tổ chức này không nên vươn mình ra ngoài Bắc Đại Tây Dương, tờ Financial Times (Anh) đưa tin hôm 5/6.

Sự phản đối của ông Macron đối với kế hoạch cho Tokyo – mở văn phòng đầu tiên của NATO ở châu Á – đã dẫn đến bế tắc kéo dài hàng tháng trời trong khối liên minh quân sự phương Tây, tờ báo Anh dẫn 8 nguồn thạo tin cho biết.

Việc mở một trung tâm liên lạc ở Nhật Bản sẽ cần có sự nhất trí của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương – cơ quan chính trị cao nhất của NATO. Điều đó nghĩa là Paris có khả năng bác bỏ đề xuất này. Theo một trong những nguồn tin mà Financial Times tiếp cận được, Tổng thống Macron tin rằng hiến chương của NATO yêu cầu liên minh này hạn chế phạm vi địa lý của mình ở “Bắc Đại Tây Dương”, do đó ngăn cản NATO mở rộng sang châu Á.

Tại một hội nghị vào tuần trước, Tổng thống Pháp được cho là đã cảnh báo rằng việc thúc đẩy NATO “mở rộng phạm vi và địa lý sẽ là một sai lầm lớn”.

Một nguồn tin khác nói với Financial Times rằng Paris không sẵn sàng ủng hộ bất kỳ chính sách nào “góp phần gây căng thẳng giữa NATO và Trung Quốc”. Nguồn tin này cho rằng việc mở văn phòng ở Tokyo có thể phá vỡ niềm tin từ phía Bắc Kinh, cụ thể là trong vấn đề Ukraine.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã bày tỏ sự hoài nghi về văn phòng liên lạc được đề xuất ở Tokyo. Tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết, NATO nên duy trì trong phạm vi ảnh hưởng của mình và không tìm cách tăng cường sự hiện diện ở châu Á, lập luận rằng khu vực này “không hoan nghênh đối đầu khối hoặc các khối quân sự”.

Theo Financial Times, NATO từ chối cung cấp thông tin chi tiết về “các cuộc thảo luận đang diễn ra”. Nhà Trắng không trả lời yêu cầu bình luận. Chính phủ Nhật Bản không bình luận, nhưng một quan chức Nhật Bản cho biết Tokyo muốn tăng cường quan hệ với liên minh.

Thế giới - Tổng thống Pháp Macron phản đối kế hoạch NATO mở rộng sang châu Á

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Điện Elysee ở Paris, ngày 9/1/2023. Ảnh: Bloomberg

Kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO ở “xứ sở mặt trời mọc” đã được thảo luận không liên tục kể từ năm 2007, khi Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Shinzo Abe lần đầu tiên đến thăm trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), và đã được nêu ra một lần nữa trong những tháng gần đây.

Tokyo đã tăng cường hợp tác đều đặn với khối này trong những năm qua, mở một văn phòng chi nhánh tại Brussels vào năm 2018. Thủ tướng Fumio Kishida, người năm ngoái đã trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên tham dự một Hội nghị Thượng đỉnh NATO, sẽ tham gia cuộc họp sắp tới tại Litva vào tháng 7.

Liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt hiện có hơn một chục trung tâm liên lạc trên toàn cầu, tại các quốc gia như Ukraine và Moldova. Hầu hết các trung tâm này đều nhỏ và được thiết kế để giúp liên lạc với chính phủ và quân đội của nước sở tại. Mặc dù NATO chưa vạch ra kế hoạch chi tiết cho Tokyo, nhưng văn phòng ở đó được cho là sẽ phục vụ một chức năng tương tự và sẽ chỉ có một số lượng nhân viên nhỏ.

Bà Yuka Koshino, một chuyên gia về Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, cho biết một văn phòng ở Tokyo sẽ giúp cho sự can dự của NATO ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở nên chính thức và bền vững.

“Ông Kishida nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa môi trường chiến lược Châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… và đang tìm cách phối hợp các cách tiếp cận với các đối tác có cùng chí hướng”, vị chuyên gia cho biết.

Mặc dù Nhật Bản cho biết họ vẫn đang thảo luận để mở văn phòng, Thủ tướng Kishida gần đây lưu ý rằng chưa có quyết định cuối cùng nào về vấn đề này, đồng thời tuyên bố rằng Tokyo không quan tâm đến việc gia nhập NATO bất chấp sự tương tác đã tăng cường trong vài năm qua.

Minh Đức (Theo RT, Financial Times)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.