Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Từ cuộc trả lời phỏng vấn chấn động với nhà báo, phóng viên truyền hình Anh Piers Morgan cho đến khi rời câu lạc bộ Manchester United, Ronaldo được kì vọng sẽ có một màn trình diễn ấn tượng ở Qatar, vì đây gần như là cơ hội thi đấu World Cup cuối cùng của ngôi sao 37 tuổi.
Nhưng trong những trận đấu loại trực tiếp, Ronaldo đã bị đưa lên băng ghế dự bị. CR7 bị coi là vật cản hơn là người có thể làm nên sự khác biệt cho đội tuyển quốc gia Bồ Đào Nha.
Trong trận đấu cuối cùng với Ma Rốc, Ronaldo được tung vào sân trong 30 phút cuối cùng nhưng không tạo được dấu ấn và rời giải đấu trong nước mắt.
"Họ đã uổng phí tài năng của Ronaldo. Thật đáng tiếc, họ đã áp đặt lệnh trừng phạt chính trị với cậu ấy", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói hôm 25/12. "Đưa một cầu thủ như Ronaldo vào sân khi trận đấu chỉ còn 30 phút đã hủy hoại tâm lý và lấy đi năng lượng của cậu ấy".
Ông Erdogan nêu nguyên nhân: "Ronaldo là người đứng về phía người Palestine".
Theo Daily Mail, Ronaldo chưa bao giờ đưa ra tuyên bố công khai về vấn đề Palestine. Không rõ từ "họ" mà ông Erdogan nhắc tới ám chỉ ai hay tổ chức nào.
Có những tin đồn rằng Ronaldo từng quyên góp 1,5 triệu euro cho người Palestine sau khi bán đấu giá giải thưởng chiếc giày vàng. Một công ty quản lý thể thao đại diện cho Ronaldo đã bác bỏ thông tin này vào năm 2019.
Hình ảnh Ronaldo cầm biểu ngữ "cùng với người Palestine” bằng tiếng Tây Ban Nha cũng được xác định là ảnh ghép. Thực tế Ronaldo khi đó bày tỏ sự ủng hộ với các nạn nhân trong trận động đất ở Tây Ban Nha năm 2011.
Ronaldo đã gây thất trọng tại World Cup 2022, kỳ World CUp có thể là cuối cùng của siêu sao người Bồ Đào Nha.
Ronaldo từng chụp hình với chiếc khăn quàng cổ Palestine, nhưng mục đích khi đó là ủng hộ Hiệp hội bóng đá Palestine. Ronaldo khi đó đứng cạnh người đứng đầu hiệp hội, Jibril Rajoub.
Hiện chưa rõ tương lai của siêu sao 37 tuổi sau khi World Cup khép lại. Về vấn đề này, ông Erdogan nói: "Theo như thông tin mà tôi nắm được, Ronaldo sẽ sang Ả Rập Saudi chơi bóng".
Cuộc chiến tranh giành độc lập của người Palestine trước Israel diễn ra từ năm 1948. Liên minh Ả Rập sau đó hậu thuẫn Palestine và từng trực tiếp phát động chiến tranh với Israel, dẫn tới đỉnh điểm là Cuộc chiến 6 ngày năm 1967.
Ngày nay, một số quốc gia Ả Rập vẫn giữ quan điểm thù địch với Israel và ủng hộ người Palestine. Các cầu thủ Ma Rốc đã ăn mừng với lá cờ Palestine khi lọt vào tới trận bán kết World Cup 2022.
Đăng Nguyễn - Daily Mail