"Đức sẵn sàng chi trả cho hai hệ thống. Tôi đã có thỏa thuận với họ. Na Uy cũng sẵn sàng chi trả cho một hệ thống. Tôi có thỏa thuận song phương với Thủ tướng Jonas Gahr Store), ông Zelensky nói bên lề Hội nghị Phục hồi Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp báo tại Hội nghị Phục hồi Ukraine ở Rome, Ý, vào ngày 10/7/2025. (Alessia Pierdomenico/Bloomberg qua Getty Images)
Thông báo này được đưa ra sau khi Kyiv nhiều lần kêu gọi các đối tác phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không nhằm giúp Ukraine chống đỡ các đợt không kích ngày càng dữ dội từ Nga.
Ông Zelensky cho biết thêm rằng Ukraine cần tổng cộng 10 hệ thống Patriot, đồng thời bày tỏ hy vọng các đối tác châu Âu khác sẽ tham gia vào cơ chế tài trợ mới này. Ông lưu ý rằng vẫn đang chờ phản hồi chính thức từ phía nhà sản xuất Mỹ.
Phát biểu tại Hội nghị Phục hồi Ukraine vào sáng cùng ngày 10/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Friedrich Merz xác nhận Berlin sẵn sàng mua hệ thống Patriot cho Ukraine từ Mỹ, tuy nhiên ông nói thêm rằng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Những phát biểu này được đưa ra sau thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi ông Merz mua một tổ hợp Patriot nhằm tăng cường hệ thống phòng không cho Kyiv. Tổng thống Trump cũng cho biết riêng rằng ông đang "xem xét" khả năng hỗ trợ Ukraine mua thêm hệ thống Patriot.
Trong cuộc họp báo tại Malaysia ngày 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng thừa nhận nhu cầu cấp thiết của Ukraine về phòng không và kêu gọi các đồng minh châu Âu cung cấp hệ thống Patriot của họ.
"Người Ukraine cần thêm các tổ hợp Patriot. Nhiều quốc gia châu Âu đang sở hữu nhưng không ai muốn chia sẻ hệ thống của mình. Tôi hy vọng điều đó sẽ thay đổi", ông Rubio nói.
"Tôi hy vọng chúng ta có thể thuyết phục một số đối tác NATO gửi các tổ hợp này đến Ukraine".
Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh có sự nhầm lẫn liên quan đến quyết định đơn phương của Lầu Năm Góc về việc tạm ngừng một số lô vũ khí chuyển đến Ukraine, bao gồm cả tên lửa Patriot và đạn dược chính xác cao. Một số chuyến hàng hiện được cho là đã tiếp tục được vận chuyển trở lại, và Tổng thống Trump đã cam kết sẽ cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Kyiv.
Hệ thống Patriot là một trong những vũ khí phòng không mạnh mẽ do Mỹ sản xuất, đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bầu trời Ukraine. Đây là một trong số ít hệ thống có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga.
Hiện, Ukraine đang vận hành ít nhất sáu tổ hợp Patriot, được cung cấp trong những năm qua bởi Mỹ, Đức, Hà Lan và Romania.
Trong vài tuần gần đây, Nga tăng cường các đợt tấn công vào Ukraine, với kỷ lục hơn 740 UAV và tên lửa được phóng vào ngày 9/7. Một ngày sau đó, các lực lượng Nga tiếp tục phóng khoảng 400 máy bay không người lái và 18 tên lửa, chủ yếu nhằm vào thủ đô Kyiv.
Lê Anh (Theo Kyivindependent, Eadaily)