Năm 2011, học viện bóng đá Bohemians Praha đã chọn ra 25 tài năng xuất chúng nhất ở lứa tuổi U13, sau một loạt các cuộc sát hạch khốc liệt. Sáu năm sau, chỉ còn 5 cầu thủ trụ lại và thi đấu cho lứa U19 của đội bóng này.
Tony Lê Tuấn Anh là 1 trong 5 cái tên kể trên. Anh cũng là cầu thủ gốc Việt hiếm hoi được tin dùng ở cấp độ cao nhất bóng đá CH Séc. Thế nhưng, ước mơ của Tony lại không nằm ở xứ sở pha lê. “Con muốn thực hiện cho bằng được ước mơ khoác lên mình chiếc áo đấu của đội tuyển Việt Nam,” Tuấn Anh từng tâm sự với bố.
Nhưng dải đất hình chữ S chưa bao giờ là thử thách dễ dàng với các cầu thủ Việt kiều.
Bước khởi đầu trên hoa hồng
Tony Lê Tuấn Anh sinh năm 1999 tại Benesov. Cha của anh, ông Lê Tuấn từng có thời gian học bóng đá ở Đại học, trước khi một tai nạn khiến ông gẫy chân và không thể tiếp tục đam mê. Ông quyết định sang CH Séc làm ăn từ năm 1982.
“Trước ở Tiệp, tôi có đến ba cửa hàng quần áo,” ông Tuấn tâm sự với VTC. “Nhưng tiền không thể mua được niềm hạnh phúc khi chứng kiến từng bước đi của con. Vì đam mê chơi bóng của cháu, tôi chỉ giữ lại một cửa hiệu. Đổi lại, mỗi cuối tuần hai vợ chồng lại đánh xe đi xem con mình đá bóng, được sống cùng cảm giác của con trên sân.”
“Ai cũng bảo tôi bị hâm, bị điên rồi. Tôi bỏ mặc tất cả, với linh cảm của một người bố thực sự hiểu khả năng của con mình. Nói không phải khoe, nhưng Tony năm nào cũng đạt thành quả ở Séc.”
Không ai có thể phản bác lời khẳng định của người đàn ông đến từ Bắc Giang. Ở mùa giải 15/16, tiền vệ tấn công này ghi được 15 bàn và từng được LĐBĐ CH Séc triệu tập để chơi cho đội U17 nước này. Một năm sau, anh chơi 20/21 trận, ghi 3 bàn và có 5 đường kiến tạo, góp công lớn giúp U19 Bohemians dẫn đầu tại giải trẻ VĐQG CH Séc.
Nhưng khi biết tin U20 Việt Nam tập trung để chuẩn bị tham dự U20 World Cup tại Hàn Quốc và sẵn sàng chào đón mọi cầu thủ, Tony gần như không tốn nhiều thời gian để lựa chọn. “Em nó nằng nặc đòi về,” ông Tuấn nói. “Tôi hiểu điều này, vì từ nhỏ đến giờ, gia đình tôi luôn sinh hoạt theo truyền thống Việt Nam.”
Sau khi đã bàn bạc kĩ lưỡng, hai cha con qua sự giới thiệu của một “siêu cò” đã quay trở về quê hương để thử việc cùng U20 Việt Nam.
Nhưng nếu sự nghiệp của Tony ở CH Séc là những trải nghiệm màu hồng, thì ở Việt Nam cậu bé này bắt đầu phải làm quen với những thất bại.
“Tuấn Anh, đi đâu vậy?”, “Dụng ơi (Bùi Tiến Dụng – NV), nhắc Tuấn Anh…”, ở ngoài đường biên, HLV Hoàng Anh Tuấn nhắc lớn mỗi khi cậu học trò bỏ vị trí.
Ngay từ những bài tập khởi động, tiền vệ này đã không theo kịp và tỏ ra đuổi ở những động tác khó. Đến khi chia đội hình thi đấu đối kháng, Tony liên tục để mất bóng. Những pha tranh chấp cũng tỏ ra hời hợt. Người chơi cặp ở hàng tiền vệ, Bùi Tiến Dụng liên tục nhắc nhở, nhưng có vẻ như Tony không đủ thể lực để theo kịp các tình huống.
“Thời tiết quá nóng khiến tôi không tài nào thể hiện hết khả năng của mình,” Tony chia sẻ với Zing. “Tôi nhớ có lần cả đội phải chạy 10 km trên bờ biển dưới trời nắng. Lúc đó, tôi chưa được ăn sáng. Tôi suýt ngất trong lúc tập luyện. Đó là ký ức khiến tôi vẫn còn cảm thấy sợ hãi.”
Những rào cản vô hình như vậy đã xuất hiện ngay từ những buổi tập đầu tiên. Thật khó cho một người vốn đang quen với thời tiết trời Âu có lúc xuống tới -20 độ C, lại phải tập luyện trong cái nắng hơn 32 độ C ở biển.
Ngôn ngữ cũng là một vấn đề không hề nhỏ. "Tony khó khăn trong việc hòa nhập ở U20 Việt Nam, khiến tôi cảm thấy hối hận khi bỏ bẵng chuyện tập cho con mình tiếng mẹ đẻ ngay từ nhỏ,” bố của Tony tiếc nuối.
Từ khuôn mặt tái nhợt sau mỗi buổi tập thể lực cùng các đồng đội, sau một vài buổi tập, Tony Lê Tuấn Anh bắt đầu dần thích nghi với môi trường mới. Cầu thủ sinh năm 1999 không những hoàn thành tương đối tốt giáo án thể lực do chuyên gia Martin Forkel đưa ra, mà còn tỏ ra tự tin hơn trong các pha xử lý bóng ở bài tập đối kháng.
Mặc dù vậy, lần thử sức của Tony trong màu áo đội U20 Việt Nam lại có cái kết không thể cay đắng hơn.
Ngày 30/3, Tony Lê Tuấn Anh không ra sân tập cùng đồng đội. Hành trình thử việc của Tony kết thúc sớm hơn dự kiến. Được sự cho phép của ban huấn luyện, anh sẽ trở về CH Séc để chữa trị dứt điểm chấn thương sụn chêm đầu gối phải.
Cầm trên tay bản chụp chiếu X-quang đầu gối của mình, Tony không giấu nổi vẻ buồn bã. “Thôi biết làm sao giờ, giấc mơ của Tony đến đây là dang dở rồi,” ông Tuấn nói với VTC với đôi mắt ngấn lệ. “Những ngày ít ỏi còn lại ở Việt Nam, tôi sẽ nhờ người thân ngoài Hà Nội kiểm tra kĩ lưỡng cho cháu rồi về lại bên kia. Sụn đầu gối của Tony có vấn đề là do cơ thể của em phát triển quá nhanh.”
Cần biết rằng, Tuấn Anh không hề ‘bị loại’ khỏi U20 Việt Nam. HLV Hoàng Anh Tuấn và GĐKT Jürgen Gede đều muốn giữ cầu thủ Việt kiều này ở lại, tạo cơ hội cho cậu nhóc cọ xát tại giải giao hữu U19 quốc tế diễn ra vào tháng 4 tại Nha Trang.
Tuy nhiên, chấn thương của Tony là trường hợp khiến nhiều tài năng trẻ vật lộn trên con đường sự nghiệp. Ngay cả ở U20 Việt Nam cũng có một trường hợp của đội trưởng Nguyễn Trọng Đại. Điều này khiến thầy Tuấn và ông Jürgen tỏ ra khá lưỡng lự vời đề nghị ban đầu.
"Thầy Tuấn và ông Jürgen rất có tâm, trách nhiệm với cầu thủ,” ông Lê Tuấn nhớ lại. “Cả hai đều bảo với tôi và cháu Tony là về chữa lành hẳn đầu gối đi, chúng ta sẽ gặp lại nhau vào năm sau.”
Có một vấn đề ở lần thử sức đầu tiên với bóng đá Việt Nam mà Tony Lê Tuấn Anh cảm thấy khá ‘ngợp’, đó là truyền thông.
“Lần đầu tiên trong đời, tôi bị nhiều ống kính chĩa vào mình như ở Việt Nam,” Tony nhớ lại. Bản thân ông Tuấn cũng cảm thấy ngần ngại khi nói về nỗi ám ảnh này. “Mẹ của Tony toàn mắng tôi, bắt phải đưa em nó về ngay khi thấy hình ảnh hốc hác của em trên báo chí,” ông nói.
Tròn một năm sau, sự chú ý của truyền thông không còn gắt gao như trước nữa, nhưng kết quả vẫn tương tự. Ngày 13/4/2018, HLV Hoàng Anh Tuấn chốt danh sách U19 Việt Nam tham dự giải bóng đá quốc tế Suwon JS Cup tổ chức tại Hàn Quốc. Trong đó không có tên của Tony Lê Tuấn Anh.
Sau đó, thầy Tuấn có đề nghị Tony ở lại và chơi cho PVF để làm quen dần với bóng đá xứ sở. Nhưng anh từ chối để trở lại CH Séc hoàn thành việc học.
Trở về châu Âu, Tony kí hợp đồng bán chuyên với Bohemians B, đội bóng thi đấu ở giải hạng Ba. Năm 2020, GĐTT của đội muốn Tony đến thi đấu cho Vlasim (đội bóng cũ của Filip Nguyễn) ở giải hạng Nhì để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng chỉ sau hai tháng, anh lại được gọi trở lại Bohemians.
Trong một diễn biến ít ai nghĩ tới, tháng 12 năm đó, trang chủ của Bohemians đưa tin: “Tiền vệ đội B Tony Lê Tuấn Anh sẽ chia tay đội bóng để khoác áo Bình Định dưới dạng cho mượn, thi đấu ở hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam, đồng thời chiến đấu cho một vị trí ở đội tuyển Việt Nam.” Bình Định khi đó mới thăng hạng, nhưng tỏ ra rất tham vọng với những bản hợp đồng chất lượng như Hồ Tấn Tài, Rimario hay Ahn Byung Keon…
Sau một thời ‘án binh bất động’ vì đại dịch Covid-19, tháng 4/2021, Tony đã chính thức được HLV Nguyễn Đức Thắng cho ra mắt. Dù chỉ mới kịp đứng trên sân cỏ V-League 12 phút, đó vẫn là một khoảnh khắc đáng nhớ.
Thế nhưng, sau đó là vỏn vẹn 4 phút trươc TP.HCM và 29 phút trước Viettel FC. Hết thời gian cho mượn, Tony lại trở về CH Séc không kèn không trống. Anh vừa mới trở về khoác áo đội bóng quê nhà SK Benesov hồi tháng 2.
Ở lần đầu thử sức với bóng đá quê hương, hai bố con Tony đã quán triệt tư tưởng rõ ràng: Chỉ mong được khoác lên mình chiếc áo in hình cờ Tổ quốc Việt Nam. Cả hai đều từ chối ngay, khi được hỏi về việc cạnh tranh một suất dự U20 World Cup. Bởi như ông Lê Tuấn nói, ‘cần phải biết mình đang ở đâu.’
"Tôi có nói với Tony về cái kém của em nó chứ. Đây không phải là thất bại, mà đó là bài học dành cho con. Con về rồi, giờ con đã biết mình đang ở đâu chưa? Con đã thấy sự khác biệt giữa đội tuyển với CLB chưa? Năm nào ở CLB con cũng giành danh hiệu, huy chương, nhưng như thế đã đủ để lên tuyển chưa?, ông Tuấn nói với VTC.
Tony đồng tình với bố: "Chuyến đi này đã mang lại cho tôi nhiều bài học. Nếu có dịp được trở lại, tôi sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn. Ít nhất, tôi sẽ không còn sợ nữa.”
Đội tuyển Việt Nam có lẽ sẽ mãi là giấc mơ dang dở của Tony Lê Tuấn Anh. Nhưng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Nếu là con chim chiếc lá, thì con chim phải hót chiếc lá phải xanh.” Ít nhất Tony đã thử, ít nhất anh không còn sợ hãi và ít nhất anh sẽ không phải hối hận vì đã không cho mình cơ hội.