Bao gồm: Ngân hàng Ngoại thương (VCB), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), Ngân hàng Quốc Tế (VIB), Ngân hàng Quân đội (MBB) và Ngân hàng Kỹ thương (TCB).
Đây không còn là các tên tuổi xa lạ đối với các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư trong 2 năm qua, khi các tổ chức này được đánh giá vượt trội về sức mạnh tài chính và truyền thông, về tiềm năng tăng trưởng, mức độ phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trong ngành.
Ngành ngân hàng, với các tên tuổi tiêu biểu, được đánh giá tiếp tục là một trong những trụ cột phát triển kinh tế, điều tiết cung cầu tài chính cho doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến hết 10.06.2021, giá trị vốn hóa của ngành ngân hàng chiếm 34% tỷ trọng vốn hóa của HOSE, tốc độ tăng trưởng giá trong 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng lần lượt là 18%, 40% và 77%. Theo JP Morgan, tăng trưởng giá cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam đứng đầu trong khu vực ASEAN, tiếp theo là thị trường Thái Lan, Indonesia. Hiện ROE của ngành ngân hàng Việt Nam đang đứng đầu trong khu vực ở mức 18%, cao gấp đôi so với các nước khác trong khu vực.
Nhóm 3 động lực tăng trưởng dưới đây sẽ là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này trong trung và dài hạn.
Tăng trưởng cộng hưởng với sức mạnh của nền kinh tế
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), nền kinh tế Việt Nam mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, chứng tỏ được sức mạnh nội lực bền vững. Việt Nam cũng là một trong số ít nền kinh tế được dự báo tăng trưởng tích cực trong những năm tới với động lực lớn đến từ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Với vai trò là bệ đỡ tài chính của cả nền kinh tế, ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cộng hưởng với sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam.
Dân số Việt Nam dự kiến đạt 120 triệu dân vào năm 2050, tăng trưởng trên 20% so với hiện tại, đồng thời tỷ trọng của tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp đôi từ 13% lên 26% vào năm 2026. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ dân số chưa có tài khoản ngân hàng chiếm khoảng 65%. Đối với những người có tài khoản thì tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong giao dịch mua bán vẫn cao hơn qua tài khoản. Đây được coi là “cơ hội vàng” cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lấy mảng kinh doanh bán lẻ làm trọng tâm. Trong đó, yếu tố am hiểu thị trường và nhu cầu khách hàng sẽ là lợi thế để vươn xa. Đứng trong Top 5 các ngân hàng tư nhân có dư nợ bán lẻ hàng đầu hiện nay gồm VIB, ACB, STB, VPB, và MBB. Trong đó, tính về tốc độ tăng trưởng trong vòng 5 năm gần đây, VIB, MBB, TPB theo thứ tự là 3 ngân hàng tư nhân dẫn đầu thị trường với tỷ lệ tăng trưởng kép 5 năm liền lần lượt là 49%, 31% và 31%. Nếu tính về tỷ lệ bán lẻ trên tổng dư nợ tín dụng, VIB là ngân hàng dẫn đầu ngành với tỷ trọng trên 86% là dư nợ tín dụng bán lẻ, trong đó trên 95% là dư nợ có tài sản đảm bảo.
Dư nợ và tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) về bán lẻ của Top Ngân hàng tư nhân từ 2016 – 2020
Tăng trưởng nhờ không ngừng cải thiện sức mạnh nội tại
Ngành ngân hàng đã và đang có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây, mô hình kinh doanh năng động, tích cực áp dụng chuyển đổi số, sức mạnh nội tại không ngừng được cải thiện đã mang đến những kết quả kinh doanh ấn tượng. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục áp dụng các tiêu chuẩn quản lý rủi ro Quốc tế đã góp phần nâng cao chất lượng và minh bạch thông tin, tăng uy tín của ngành ngân hàng trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Điểm qua các yếu tố quan trọng đánh giá sức mạnh tài chính của một ngân hàng như: Hiệu quả (Tỷ suất sinh lợi ROA, ROE và tỷ lệ chi phí trên thu nhập CIR), Chất lượng tài sản và vốn (Tỷ lệ nợ xấu NPL, tỷ lệ an toàn vốn CAR) và Tốc độ tăng trưởng bền vững (tăng trưởng kép về lợi nhuận), chúng ta có thể thấy rằng nhóm 6 ngân hàng trong Top 10 thực sự nổi bật với phần lớn các kết quả cao hơn trung vị (median) của ngành, thể hiện sự nhất quán và rõ nét từ chiến lược, quản trị và hoạt động kinh doanh của nhóm đầu ngành hiện nay.
Một số chỉ tiêu tài chính 2020 của 6 ngân hàng trong Top 10 công ty đại chúng uy tín & hiệu quả năm 2021
Tăng trưởng nhờ sự linh hoạt và đi đầu trong chuyển đổi số
Một trong những yếu tố tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngân hàng trong những năm gần đây đó là nhờ sự linh hoạt và đi đầu trong chuyển đổi số. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng, ngân hàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy cải tiến và đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, cũng như gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Những ngân hàng năng động, đi đầu trong hoạt động chuyển đổi số sẽ có nhiều cơ hội mở rộng và phát triển kinh doanh một cách đột phá mà mô hình kinh doanh truyền thống khó có thể mang lại. Đơn cử như một số ngân hàng nhanh chóng đưa ra các gói sản phẩm số như tài khoản số, thẻ ngân hàng và dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn miễn phí như VIB, MBB, TCB,… giúp khách hàng có những trải nghiệm hoàn toàn online và liền mạch. Đặc biệt trong bối cảnh Covid hiện nay, các giải pháp số của ngân hàng đã hỗ trợ khách hàng rất nhiều trong việc thực hiện phần lớn các giao dịch ngân hàng từ xa mà hầu như không phải đến chi nhánh/phòng giao dịch, không cần gặp nhân viên, không hồ sơ giấy tờ khi mở thẻ, tài khoản thanh toán và các dịch vụ ngân hàng cơ bản khác. Đây là bước ngoặt giúp các ngân hàng có chiến lược số hóa rõ nét sẽ sớm đẩy mạnh thị phần và nhanh chóng dẫn đầu về tốc độ và chất lượng dịch vụ cho khách hàng – điều này đã xảy ra ở các thị trường như Mỹ, Úc và Singapore.
Một số nhà phân tích thừa nhận, các mô hình đánh giá hiện nay của các chuyên gia và các công ty chứng khoán chưa đưa vào được các yếu tố then chốt trong nền kinh tế mới như “mô hình bán lẻ” và “chuyển đổi số” để dự báo tăng trưởng. Tuy nhiên, các nhà phân tích sẽ sớm điều chỉnh các chỉ tiêu để phù hợp hơn với sự tăng trưởng trong nền kinh tế trong và hậu Covid-19. Vì vậy, với 3 động lực tăng trưởng tiềm năng nêu trên, sự phát triển bền vững với nhiều dấu ấn riêng biệt của 6 ngân hàng trong Top 10 được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng cho ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong kỳ mới.
Thu Hà