Sáng 6/8, liên quan đến việc xe có giấy nhận diện có mã QR Code của ngành giao thông vận tải (GTVT) hay còn gọi là “luồng xanh” nhưng không được vào địa phương, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc sở GTVT TP.Cần Thơ đã đưa ra lý giải.
Theo đó, thẻ nhận diện "luồng xanh" tích hợp các thông tin gồm tên doanh nghiệp, tài xế, lộ trình di chuyển của phương tiện. Khi phương tiện có thẻ nhận diện này đến các địa phương sẽ được ưu tiên kiểm tra trước để giao thông thông thoáng.
Tuy nhiên, ông Dũng nhận định, công tác phân "luồng xanh" không thể thay thế cho việc kiểm tra giấy tờ khác. Vì đã có tình trạng tài xế lợi dụng thẻ nhận diện "luồng xanh" chở hàng hóa không thiết yếu, chở người từ vùng dịch về nên ngành chức năng phải kiểm soát chặt chẽ hơn.
“Hiện nay, đối tượng quan trọng nhất cần phải kiểm soát chặt đó là tài xế và người đi cùng trên phươn tiện bởi đây chính là nguồn lây chứ không phải là phương tiện, hàng hóa”, ông Dũng nói.
Các thủ tục để được di chuyển vào TP.Cần Thơ đã được hướng dẫn cụ thể tại văn bản số 2106 hướng dẫn việc lưu thông tại các chốt kiểm soát dịch của thành phố và các điểm trung chuyển hàng hóa.
Tuy được tạo điều kiện thuận lợi nhưng các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khi vận chuyển hàng vào TP.Cần Thơ. Như ông Trần Văn Lợi, chủ đơn vị vận tải hàng hóa bằng container cho biết, để được vào TP.Cần Thơ, tài xế bắt buộc phải có đủ giấy xét nghiệm Covid-19, các văn bản, giấy tờ chứng minh giao nhận, trong đó có hợp đồng giao nhận cho từng container hàng.
Điểm vướng mắc là hầu hết các doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển theo năm. Còn trong tình hình dịch này, việc các bên gặp, ký tên đóng dấu vào hợp đồng là rất khó. Doanh nghiệp đã photo hợp đồng năm cho các tài xế, phương tiện đã được cấp thẻ nhận diện luồng xanh. Tài xế cũng có giấy xét nghiệm âm tính.
Thế nhưng, do thiếu hợp đồng vận chuyển hàng của từng conteiner nên phía doanh nghiệp không thể đưa hàng hóa vào TP.Cần Thơ. Hệ quả là hàng hóa bị đình trệ, có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Hiện nay, các doanh nghiệp chỉ cho hoạt động 50% phương tiện vận tải, trong khi đó thủ tục thì quá nhiều, mất thời gian, hàng hóa đình trệ, lãng phí nhân lực. Nếu khó khăn quá, doanh nghiệp vận tải hàng hóa sẽ không trụ nổi”, ông Lợi bày tỏ.
Trước đó, từ ngày 2/8, TP.Cần Thơ bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 10 của chính quyền địa phương về việc tăng cường một số biện pháp cấp bách thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn cho đến 0h ngày 16/8.
Cụ thể, địa phương cấm các phương tiện giao thông, bao gồm người điều khiển và người đi cùng trên phương tiện, từ các tỉnh, thành phố khác vào TP.Cần Thơ. Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa sẽ được kiểm tra tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do thành phố quy định.
Tại bến xe khách trung tâm TP. Cần Thơ là điểm tập kết trung chuyển và giao nhận hàng hóa, tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa vào đây được kiểm tra khá gắt gao.
Ngành chức năng chỉ giải quyết cho các trường hợp có đủ giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 âm tính còn thời hạn trong vòng 3 ngày, giấy nhận diện có mã QR Code của ngành GTVT để đảm bảo đúng thông tin lịch trình di chuyển của người điều khiển phương tiện, người đi cùng và các văn bản, giấy tờ, thông tin giao nhận hàng hóa, một số giấy tờ có liên quan đến tài xế và người đi cùng. Trường hợp không đáp ứng một trong những điều kiện thì không được di chuyển vào thành phố.