Tp.HCM: 85,71% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch và giải pháp "biến nguy thành cơ"

Tp.HCM: 85,71% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch và giải pháp "biến nguy thành cơ"

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Thứ 6, 29/10/2021 15:15

85,71% tổng số doanh nghiệp khảo sát bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đại dịch mang đến "tai hoạ" song cũng là động lực cho sự chuyển mình tất yếu.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM cho biết, qua khảo sát 11.502 doanh nghiệp trong quý 3/2021, trong đó có đến 9.858 doanh nghiệp trả lời bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm tỷ lệ 85,71% tổng số doanh nghiệp khảo sát.

Gần 130.000 người lao động bị ảnh hưởng vì Covid-19

Lĩnh vực, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỉ lệ 36,74%; Ít bị ảnh hưởng nhất là lĩnh vực thông tin và truyền thông, chỉ chiếm 3,69%.

Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp ở những lĩnh vực, ngành cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ lệ 16,42%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ chiếm tỉ lệ 8,79%; xây dựng chiếm 8,77%. Doanh nghiệp ở lĩnh vực vận tải kho bãi chiếm tỷ lệ 6,66%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ chiếm 4,85%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,77%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4,03%.

Kinh tế vĩ mô - Tp.HCM: 85,71% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch và giải pháp 'biến nguy thành cơ'

Ảnh minh họa. 

Theo đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, phần đông các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ lệ 42,7%; doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn chiếm 27,15%; chính sách hỗ trợ chưa kịp thời chiếm tỷ lệ 18,23%; doanh nghiệp thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất chiếm 11,92%.

Từ kết quả khảo sát trên, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố cũng ghi nhận trong 251.027 người lao động đang làm việc thì có đến 129.582 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chiếm tỉ lệ 51,62%. Trong đó, lao động giãn việc, nghỉ luân phiên chiếm 48,18%; lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc chiếm 32,21%; lao động tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 8,2%; lao động tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương chiếm 7,45%; lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương chiếm 3,96%.

Số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động trong những tháng cuối năm 2021 là 4.493 doanh nghiệp, chiếm 39,06% tổng số doanh nghiệp khảo sát. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp dự kiến giảm giờ làm việc hoặc nghỉ luân phiên chiếm 59,02%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương chiếm 20,74%; cho lao động thôi việc chiếm 11,49%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương chiếm 8,75%.

Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt từ tháng 7/2021, toàn thành phố đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nhiều giai đoạn và kéo dài. Theo đó, doanh nghiệp đã chịu áp lực không nhỏ khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy hoạt động khiến tỉ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng; người lao động thiếu việc làm, bị cắt giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập.

Kinh tế vĩ mô - Tp.HCM: 85,71% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch và giải pháp 'biến nguy thành cơ' (Hình 2).

Ảnh minh họa. 

Việc vận hành các phương thức của doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hay “4 xanh” (gồm nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh) đã làm giảm đáng kể lượng lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên để duy trì lượng đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũ cũng như tuyển dụng lao động bổ sung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Từng bước tháo gỡ “nút nghẽn” 

Tại hội thảo khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Tp.HCM giai đoạn 2022 - 2025" do Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi chủ trì, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng việc phục hồi kinh tế của thành phố không chỉ là vấn đề của riêng mà là của cả quốc gia.

Trong các giải pháp được đề xuất, TS Trần Du Lịch lưu ý việc đầu tiên phải là đẩy mạnh hành chính công và quản trị công, vì đây là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất nhưng rất quan trọng và hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi. Về giải pháp hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp và gói hỗ trợ an sinh xã hội, chuyên gia kinh tế này đề nghị mức cao hơn mặt bằng chung cả nước vì Tp.HCM chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch.

TS Trần Du Lịch còn đề xuất giải pháp mang tính đột phá, đó là thành phố nên dùng đầu tư công như một công cụ kích cầu để phục hồi kinh tế. Bởi lẽ, cứ 1 đồng đầu tư công tại thành phố sẽ kéo theo từ 8-10 đồng đầu tư tư nhân. Theo TS Trần Du Lịch, nếu làm được như vậy thì sẽ giúp "cứu nền kinh tế", đồng thời giải quyết bài toán hạ tầng nhanh hơn. Cùng với các dự án đầu tư công giúp tổng kích cầu, trong đó có ngành xây dựng sẽ đưa Tp.HCM trở thành một đại công trường thì ngành bất động sản cũng cần được tháo gỡ nhanh các dự án đang bị tồn đọng lâu nay.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - nhận định với xu thế phục hồi tăng trưởng toàn cầu sẽ tác động tích cực đến Việt Nam, xuất khẩu có thể tăng trở lại từ tháng 11 trên cơ sở mở cửa bền vững và thích ứng an toàn. 

Ông Nguyễn Xuân Thành đề xuất thành phố cần ưu tiên chính sách tháo gỡ ách tắc vận tải đường bộ và cảng biển. "Tp.HCM phải đi đầu trong mở cửa quốc tế. Nếu thành phố có thể mở cửa trước thì tác động phục hồi với du lịch, khách sạn, nhà hàng sẽ rất lớn" - ông Nguyễn Xuân Thành nêu. Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng cần bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ các công trình cơ sở hạ tầng. Các công trình tái khởi động sẽ giúp ngành xây dựng phục hồi trở lại.

Còn theo TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm - ĐHQG Tp.HCM, có 11 vấn đề mà thành phố cần phục hồi khẩn cấp. Đó là y tế và điều trị trong tình hình mới; tổ chức lại sản xuất; thương mại và chợ; các ngành dịch vụ; kinh tế phi chính thức; lao động; an sinh xã hội; xây dựng, nhà ở lưu trú, nhà ở xã hội; giao thông vận tải; giáo dục - đào tạo; chuẩn bị và triển khai các phương án khả thi, để huy động các nguồn lực cho Tp.HCM.

TS Trương Minh Huy Vũ góp ý để phục hồi kinh tế hiệu quả phải có bộ máy và con người. Do đó, thành phố cần điều chỉnh bộ máy Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 hiện nay thành Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM. Song song với điều chỉnh này, thành phố cần tạo cơ chế thí điểm, chủ động phân quyền cho 1-2 địa phương, đơn vị trong một số lĩnh vực nhất định; từ đó tiếp tục mở rộng.

Cần tạo cơ chế "đội đặc nhiệm" để thúc đẩy các vấn đề trên trong giai đoạn phục hồi. Đội đặc nhiệm nằm trong trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM với mục tiêu là phát hiện, theo đuổi, xử lý vấn đề trọng tâm liên ngành. Ngoài ra, Tp.HCM cần tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đổi mới theo hướng quyền tự chủ cao hơn cho các quận, huyện và Tp.Thủ Đức; tăng xã hội hóa dịch vụ công và chú trọng đề cao hiệu quả, sáng kiến cộng đồng, ý tưởng cá nhân.

Cố gắng giải phóng “năng lượng” trong dân, trong doanh nghiệp 

Trong buổi họp Tại cuộc họp trực tuyến với Tp.Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các sở ban ngành chức năng tham mưu theo hướng sắp tới Thành phố sẽ mở thêm một số hoạt động, dịch vụ để tạo sinh kế và thu nhập cho người dân. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các sở, ban ngành, Tp.Thủ Đức cùng các quận, huyện tập trung phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, nguồn lực lao động và tháo gỡ các vướng mắc cụ thể để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, trong cao điểm phòng chống dịch, chúng ta đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát huy được sức mạnh tổng hợp để vượt qua thời khắc gian khó nhất. Do đó, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố tiếp tục vận dụng bài học đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực hết sức mình như giai đoạn chống dịch vừa qua. Điều đó đồng nghĩa là Tp.HCM mở được nút thắt, giải phóng năng lượng trong dân, trong doanh nghiệp để tham gia phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Với tinh thần chung mở cửa từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “an toàn là trên hết”, “an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, Tp.Hồ Chí Minh xác định sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, đảm bảo lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách, vận chuyển người lao động… từng bước đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái “bình thường mới”.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

 




 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.