Thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và tại Tp.HCM, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, tuần qua, số ca mắc Covid-19 mới, số tử vong ở các nước trên thế giới có xu hướng giảm, nhưng số ca mắc mới tại Việt Nam đang tăng.
Theo ông Tăng Chí Thượng, đến nay, trên thế giới đã trải qua 3 làn sóng dịch Covid-19. Qua mỗi làn sóng là một biến thể mới, nếu như làn sóng thứ 2 là biến thể Delta thì làn sóng thứ 3 là biến thể Omicron với biến thể phụ BA.1. Một số nước trải qua làn sóng dịch lần thứ 3 chủ yếu là biến thể phụ BA.1.
“Trên thế giới ghi nhận có thêm biến thể phụ BA.2 tại một số nước ở châu Phi, Ấn Độ. Đối với biến thể phụ BA.2 có tốc độ lây lan nhanh hơn BA.1”, ông Thượng cho biết.
Đến nay, Tp.HCM ghi nhận có hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 song hành. Đó là lý do vì sao trong thời gian qua, số ca mắc đang tăng.
Lãnh đạo Sở Y tế Tp.HCM cho rằng, không nên quá lo lắng với biến thể phụ BA.2 trong khi trên thế giới chỉ mới bắt đầu ứng phó với biến thể này.
“Với những biến thể phụ mới này, vắc-xin vẫn đủ khả năng bảo vệ người mắc không trở nặng nhưng không thể bảo vệ khỏi mắc Covid-19. Do đó, cần đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho người dân trong thời gian tới”, ông Thượng khẳng định.
Sở Y tế và Sở GD&ĐT Tp.HCM đã cập nhật Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học theo tinh thần đủ an toàn thì mới triển khai học trực tiếp và học bán trú. Theo đó, trường nào đảm bảo điều kiện, đảm bảo giãn cách trong lớp học, khi ăn, khi nghỉ trưa tại phòng thì mới tổ chức học bán trú.
Tại cuộc họp, đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, 3 tuần lễ sau Tết, tỉ lệ mở cửa trường mầm non chiếm 92.6%; ở các trường, cơ sở nhóm trẻ tư thục, đặc biệt ở các khu chế xuất - khu công nghiệp đạt tỉ lệ 79%.
Mầm non chiếm tỉ lệ 66% trẻ đến lớp học trực tiếp; bậc tiểu học là 95,9%; bậc THCS là 96.89% và bậc THPT là 98,93%. Nguyên nhân là do tâm lý một số phụ huynh chưa an tâm cho con em đi học trực tiếp, các em về quê chưa trở lại Tp.HCM và một số khác là F0, F1.
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện tại, dịch Covid-19 ở Tp.HCM có chuyển biến gia tăng nhưng số ca chuyển nặng, cần hỗ trợ hô hấp, đặc biệt tử vong vẫn kiểm soát được. Mục tiêu trong thời gian tới của Thành phố này là tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch gắn liền với phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo đó, các sở, ngành sẽ tập trung vào 5 vấn đề. Thứ nhất, tiếp tục giám sát, cảnh báo dịch, đặc biệt là diễn biến của chủng mới.
Tại Tp.HCM, qua phân tích ngẫu nhiên tỉ lệ biến chủng BA.2 chiếm hơn 65%. Do đó, phải tiếp tục giám sát cảnh báo và có biện pháp phù hợp với tình hình, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng mới.
Thứ hai, Tp.HCM sẽ tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học. Vì khi mở cửa trường học có một bộ phận học sinh dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc-xin nên số ca nhiễm từ đối tượng này lây cho người nhà đang tăng nhanh.
Lãnh đạo UBND Tp.HCM chỉ đạo ngành giáo dục cần kiểm tra, cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn ở tất cả các trường, đảm bảo thông tin đến từng phụ huynh biết các biện pháp bảo vệ trẻ em có nguy cơ. Ngành y tế cần kiểm tra tại các trạm y tế, trung tâm y tế và chuẩn bị tốt công tác tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Thứ ba, Tp.HCM có kế hoạch cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của ngành, của cơ quan nhằm đảm bảo “những tiêu chí phù hợp đảm bảo nhưng cũng đảm bảo hoạt động bình thường”.
Đồng thời, ngành y tế cần sớm nghiên cứu đề xuất về quy định mới chỉ số đánh giá cấp độ dịch, có những biện pháp điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với những diễn biến mới của dịch bệnh.
Tính đến ngày 9/3, Tp.HCM đang quản lý hơn 93.000 F0, trong đó có gần 87.000 người điều trị tại nhà (hơn 90%), có 750 người ở khu cách ly; hơn 4.800 ở bệnh viện tầng 2 và 552 trường hợp ở bệnh viện tầng 3.
Hiện nay, F0 điều trị tại 3 tầng đã vượt qua số F0 ghi nhận vào tháng 12/2021 nhưng số ca thở máy xâm lấn và tử vong vẫn duy trì ở mức thấp. Số F0 mới ghi nhận tăng so với tuần trước nhưng tốc độ tăng đang chậm lại.