Tp.HCM: Kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng có dấu hiệu tăng bất thường

Tp.HCM: Kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng có dấu hiệu tăng bất thường

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 6, 19/08/2022 06:40

Hiện nguồn cung hàng hóa đã dồi dào, đảm bảo cung ứng cho thị trường nên Sở Công Thương Tp.HCM đã có công văn gửi các đơn vị yêu cầu kiểm tra, giám sát giá cả.

Chiều 18/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế Tp.Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh trong tuần qua.

Trả lời vấn đề về kiểm tra việc tăng giá bất thường đối với hàng hoá trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã gửi văn bản kiểm tra, giám sát việc tăng giá đến các siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, các đơn vị bình ổn giá…

Kết quả ban đầu chưa phát hiện đơn vị vi phạm và đã có một số siêu thị thông báo giảm giá một số mặt hàng thiết yếu.

Chẳng hạn như siêu thị Saigon Co.op, hệ thống Bách Hóa Xanh đã có thông báo giảm giá mặt hàng dầu ăn, như: dầu ăn Cooking giảm giá từ 50.000 đồng/chai xuống còn 47.000 đồng/chai, dầu ăn Nakydaco giảm từ 47.000 đồng/chai xuống còn 43.000 đồng/chai… Mức giảm giá này được áp dụng từ ngày 22/8.

“Hiện nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo số lượng, chất lượng; giá cả được giữ bình ổn theo đúng quy định do các đơn vị chuẩn bị nguồn cung ứng dồi dào. Nhiều doanh nghiệp bình ổn còn cam kết giữ giá cho người tiêu dùng. Ngoài ra, hiện đang vào mùa cao điểm phục vụ năm học mới nên các đơn vị bình ổn giá cũng cam kết đảm bảo giá cả ổn định đối với các mặt hàng như cặp sách, ba lô…”, bà Kim Ngọc nói.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM: Kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng có dấu hiệu tăng bất thường

  Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh trả lời báo chí trong chiều 18/8.

Mới đây, UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng đã có công văn gửi các sở, ngành, UBND Tp.Thủ Đức và các quận, huyện về việc triển khai các giải pháp quản lý, điều hành giá các tháng cuối năm 2022. Theo đó, UBND Tp.Hồ Chí Minh chỉ đạo đối với hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá thì các sở, ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện các phương án đã được phê duyệt tại Thông báo số 81, Thông báo số 179 của Văn phòng Chính phủ.

UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng giao Sở Công Thương tăng cường theo dõi sát diễn biến cung cầu các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; tiếp tục chủ trì, phối hợp các sở, ngành thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, nhất là chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tránh tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.

Ghi nhận của Người Đưa Tin tại Tp.HCM, giá bán lẻ nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống đã hạ nhiệt so với mức cao tuần trước đó.

Đại diện siêu thị Emart xác nhận đã làm việc với các nhà cung cấp nhưng hiện hầu như chưa có mặt hàng nào được giảm giá.  Các nhà cung cấp đã cam kết xem xét lại giá thành đầu vào để điều chỉnh giá bán cho phù hợp, nhưng không nói rõ là khi nào điều chỉnh, điều chỉnh cho mặt hàng gì.

"Mặt hàng tươi sống chịu tác động từ giá xăng dầu trực tiếp nên tăng và giảm cũng sẽ nhanh nhưng các mặt hàng khô, chế biến sẽ lâu hơn, có thể phải cần 1,5 tháng để thay đổi giá bán", vị này nhận định.

Tương tự, đại diện siêu thị MM Mega Market cho biết nhờ gây áp lực với nhà cung cấp nên giá một số mặt hàng tươi sống đã giảm 5%.

Còn lại, các mặt hàng đồ khô, sản phẩm chế biến dù đã ngưng đà tăng giá liên tục trước đó, nhưng chưa biết khi nào giảm giá. Các nhà sản xuất và cung ứng cho rằng nguồn nguyên liệu được doanh nghiệp nhập vào lúc giá xăng dầu ở mức cao nên giá hàng hóa bán ra phải cao tương ứng...

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.