Tp.HCM: Nguồn cung và kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà ở xã hội

Tp.HCM: Nguồn cung và kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà ở xã hội

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 4, 13/10/2021 10:00

Khu đất tái định cư 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp.HCM sẽ được giao cho Sở Xây dựng cùng nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân.

Nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu   

Nguồn cung nhà ở xã hội hiện đang còn rất thiếu. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2015-2020, cả nước đã thực hiện 248 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch. Riêng tại Tp.HCM, ước tính, lũy kế giai đoạn năm 2016-2020, mới hoàn thành 17.944 căn hộ nhà ở xã hội.

Tp.HCM đã triển khai xây dựng mới các công trình nhà ở xã hội cho công nhân như khu nhà lưu trú công nhân Tân Thới Hiệp và khu chế xuất Linh Trung I, Linh Trung II, nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp Tân Tạo, khu nhà lưu trú khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và một số ở các khu công nghiệp mới.

Theo số liệu của Sở Xây dựng Tp.HCM, từ cuối năm 2019 đến nay, trên địa bàn Tp. HCM đang triển khai 15 dự án nhà lưu trú cho công nhân, tương đương diện tích 47ha. Quỹ đất để xây dựng chủ yếu từ sự đầu tư của các doanh nghiệp. Trong 15 dự án này có đến 6 dự án đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng, quá ít so với hàng triệu công nhân đang làm việc tại Tp.HCM có nhu cầu về chỗ ở.

Thống kê của Liên đoàn Lao động Tp.HCM, hiện TP có khoảng 1,6 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Số lao động như vậy là rất lớn, trong đó dù chưa thống kê đầy đủ nhưng số công nhân chưa có nhà chiếm số đông.

Theo ông Lê Hòa Bình, sau đợt dịch Covid-19 lãnh đạo thành phố đã nhận ra nhiều vấn đề, trong đó có việc phải gấp rút xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê, thuê mua, không thể để một căn nhà 20 m2 mà 5 - 6 người ở. Trong vòng 1 năm các  doanh nghiệp xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân, cho chuyên gia. Hiện nay đất đã có sẵn, thủ tục có sẵn, các doanh nghiệp chỉ cần thần tốc về thủ tục hành chính là có thể tiến hành.

 
Bất động sản - Tp.HCM: Nguồn cung và kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà ở xã hội

Nguồn cung nhà ở xã hội hiện đang còn rất thiếu. Ảnh minh họa 

Cơ hội cho công nhân trên địa bàn 

Tại buổi họp nghe báo cáo về phương án triển khai xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn Tp.HCM mới đây, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã có kết luận về phương án triển khai xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn.

Theo đó, Sở Xây dựng thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại. Đối với các chủ đầu tư dự án, cần khẩn trương  triển khai, trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao đất lại cho Nhà nước quản lý để tổ chức thực hiện, không để lãng phí quỹ đất này và hoàn thành trước ngày 15/10/2021.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng cần khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở Tp.HCM giai đoạn 2021-2025 trình UBND thành phố phê duyệt trước 15/10/2021.

Đối với khu đất tái định cư 15ha tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn Thành phố.

Được biết, khu đất 15ha này nằm liền kề khu tái định cư Vĩnh Lộc B (diện tích gần 31ha). Năm 2003, UBND Tp.HCM ra QĐ 5255/QĐ-UB thu hồi 459.452m2 (gần 46ha) đất ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh tạm giao Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị để xây dựng khu tái định cư. Khu đất được chia làm 2 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 ưu tiên tập trung thực hiện trước phần gần 31ha và giai đoạn 2 là 15ha.

Đến nay, giai đoạn 1 đã được quy hoạch 45 block chung cư, mỗi block cao 5 tầng với tổng cộng gần 2000 căn hộ và hơn 500 nền đất, với đầy đủ trường mẫu giáo, trung học, trung học phổ thông, siêu thị và công viên. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2008 và đưa vào sử dụng vào năm 2010, nhưng sau gần 10 năm đưa vào sử dụng thì dự án vẫn còn hơn 1.000 căn hộ bị bỏ trống.

Chia sẻ tại buổi tiếp xúc trực tuyến cử tri các quận 4,7, Nhà Bè và Cần Giờ trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV, chiều 11/10, khi đề cập đến chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn thời gian tới, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố còn nhiều khu nhà trọ của người lao động diện tích chật hẹp. Trước đây, khi chưa có dịch người lao động sáng đi làm, tối về, nên nơi ở chủ yếu để ngủ. Tuy nhiên, dịch 4 tháng liền phải giãn cách xã hội, vợ chồng con cái ở trong một diện tích chật hẹp sẽ không ổn. Việc này tác động lớn đến đời sống tinh thần người dân.

"Thành phố đón một lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa có sự đầu tư đúng mức. Thời gian tới Thành phố sẽ thực hiện tốt hơn", ông Mãi cho biết

Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, trong kế hoạch phục hồi kinh tế sắp tới có 11 kế hoạch thành phần, trong đó có phương án xây nhà cho công nhân và người thu nhập thấp. Cuối tuần này, Thường trực UBND Thành phố nghe báo cáo chi tiết chương trình phát triển một triệu căn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp.

Dự kiến trong tuần này Thường trực UBND Tp.HCM sẽ nghe các sở, ngành trình bày kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp.

"Thành phố sẽ phát triển những nhà giá thấp nhất có thể, để công nhân dễ tiếp cận và cũng thay thế các chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, cải thiện các khu nhà trọ hiện nay. Đây là một trong những việc chính quyền Thành phố đã thấy, cần phải làm ngay", ông Mãi nói và cho biết liên quan việc này, quận 7 đã đề xuất Thành phố một số địa điểm để xây dựng nhà cho công nhân thuê. 

 

Đào Vũ (Tổng hợp từ báo Thanh Niên, Vneconomy, Vnexpress, Vietnam Finance)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.