Tìm quỹ đất xây dựng trường học
Ngày 16/7, tại ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X, các đại biểu đã tiến hành chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu dẫn lại báo cáo của chủ tịch UBND quận Bình Tân đến năm 2025 phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân đến tuổi đi học.
"Quận Bình Tân cần xem xét lại cơ cấu trong chỉ tiêu vì cấp tiểu học của quận hiện chỉ đạt 212 phòng học. Đừng để như chỉ tiêu 10 người 100m2 mà 9 người 1m2, còn 1 người 90m2", ông Nguyễn Văn Hiếu nêu ý kiến.
Do đó, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị, quận Bình Tân cần đẩy nhanh các dự án trường tiểu học trên địa bàn quận, phải có giải pháp để đến năm 2026 có 651 phòng học cho cấp tiểu học. Vì hiện tại, tỷ lệ trường tiểu học học 2 buổi/ngày chỉ đạt 48% tại quận Bình Tân.
Đối với phương án sử dụng đối với khu đất từng là nghĩa trang Bình Hưng Hòa, đại biểu Nguyễn Văn Hiếu đặt vấn đề: "Nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1. Như vậy, đất khu vực này có quy hoạch làm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để tạo thuận tiện cho người dân hay không?".
Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết, địa phương đang thiếu 1.266 phòng học cho các khối tiểu học và THCS. Từ nay đến năm 2025, quận sẽ xây 494 phòng học và vẫn thiếu 772 phòng. Do đó, quận Bình Tân tiếp tục kiến nghị thành phố bổ sung đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030 thêm 23 trường với 709 phòng học. Đồng thời, quận sẽ phối hợp các sở, ngành rà soát quỹ đất của các tổng công ty đang bỏ trống để xây dựng trường học.
Lãnh đạo quận Bình Tân cũng cho biết, nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau khi di dời sẽ có 40,7 ha đất trống. Theo quy hoạch trước đây, khu vực này không làm trường học nhưng quận Bình Tân đã đề xuất điều chỉnh để dự kiến đầu năm 2025 sẽ khởi công xây dựng hai trường tiểu học và THCS tại khu vực này.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Nhựt, trên địa bàn quận có 59 địa chỉ nhà đất với 100 ha sử dụng không đúng mục đích hoặc bỏ trống. Quận đã kiến nghị UBND Tp.HCM bàn giao sử dụng 7 địa chỉ nhà đất để đầu tư xây trường học. Mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2020-2025 của quận là tập trung vào các dự án trường lớp.
Giai đoạn 2024-2025, quận được bố trí 10.231 tỷ đồng cho 101 dự án, trong đó 42 dự án lĩnh vực giáo dục đào tạo có tổng vốn 4.819 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2025, quận sẽ hoàn thành xây dựng từ 700-1.000 phòng học.
Nghiên cứu phương án thu gom rác
Một trong những nội dung chất vấn được quan tâm là đề án thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn quận Bình Tân. Quận có kế hoạch thu tiền xử lý rác qua ứng dụng (app), tuy nhiên xung quanh việc này còn nhiều ý kiến trái chiều.
Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết trước đây, việc thu gom rác dân lập ở quận được chia làm 2 khâu, theo đó rác thải được thu gom về trạm trung chuyển, sau đó mới được đưa đi xử lý.
Tuy nhiên, quận Bình Tân nhận thấy phương pháp này còn nhiều bất cập, làm mất vệ sinh môi trường, phát sinh mùi hôi, nước thải... tại trạm trung chuyển, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Vì vậy, địa phương đã tổ chức lại khâu thu gom rác dân lập trên địa bàn, tổ chức thành một đơn vị vừa thu gom vừa vận chuyển rác đi xử lý.
Bên cạnh đó, để tránh bất cập trong việc thu tiền xử lý rác trực tiếp từ người dân, quận triển khai ứng dụng thu tiền xử lý rác. Người dân trả tiền thu gom rác và tiền vận chuyển rác, thay vì trước kia nhà nước trả tiền vận chuyển rác đi xử lý. Việc thu tiền rác qua app nhận được sự đồng thuận lớn từ người dân nhưng vẫn còn một số ý kiến khác từ lực lượng thu gom rác dân lập.
Quận Bình Tân đã tạo điều kiện để lực lượng này hiểu rõ việc thu tiền rác qua app, giúp kiểm soát được nguồn thu, thu đúng, thu đủ và thuận tiện trong theo dõi.
"Sau khi lắng nghe ý kiến từ lực lượng thu gom rác dân lập, quận quyết định dời thời gian áp dụng thu tiền rác qua app sang ngày 1/9, thay vì ngày 1/7 như kế hoạch", ông Nhựt nói.
Liên quan đến vấn đề đầu tư công, ông Nguyễn Minh Nhựt thông tin, nhiệm kỳ 2021 - 2025, bố trí vốn đầu tư công trung hạn quận Bình Tân là trên 10.200 tỷ đồng cho khoảng 100 dự án. Trong đó, 42 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, 21 dự án thoát nước là dự án, 13 dự án hạ tầng giao thông…
Đầu tư công cho giáo dục, đảm bảo quan tâm cho người dân thường trú và tạm trú đều có điều kiện đi học với mục tiêu là xây dựng từ 700 đến 1.000 phòng học, từng bước phấn đấu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
"Quận Bình Tân luôn đặt nhiệm vụ đầu tư công lên hàng đầu. Đặt nội dung trung hạn làm gốc để triển khai và lên kế hoạch từng năm theo từng dự án cũng như tăng cường phối hợp Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh để để lựa chọn phương án phù hợp", ông Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh.