Nhiều quy định mới, bám sát thực tế
Theo đó, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân phải có trách nhiệm chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những nguyên nhân, nguy cơ gây cháy, nổ trong phạm vi quản lý của mình.
Đối với nhà ở riêng lẻ, chủ hộ gia đình, cá nhân sử dụng cần duy trì các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy. Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, bảo đảm việc sơ tán người và tài sản nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy.
Khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, khi đun nấu phải có người trông coi. Trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra, tắt nguồn điện tới các thiết bị tiêu thụ điện không sử dụng.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện hư hỏng, không đảm bảo an toàn.
Khi sửa chữa, cải tạo nhà ở phải sử dụng thợ hàn đã được cấp chứng chỉ về hàn cắt và giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy; quá trình thi công phải có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy; chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và phải có người giám sát, sẵn sàng chữa cháy trong suốt quá trình hàn cắt và sau khi hàn cắt 30 phút.
Mỗi nhà ở riêng lẻ cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy ở mỗi tầng phù hợp với quy mô, điều kiện gia đình (mỗi tầng 1 bình chữa cháy). Bố trí ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng khi xảy ra có sự cố cháy, nổ.
Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, phải thực hiện nghiêm các quy định về lối thoát nạn. Cụ thể, chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn tối thiểu 0,8m và chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9m.
Đối với nhà chỉ có 1 lối ra thoát nạn, phải bố trí lối thoát nạn thứ 2 bằng cầu thang ngoài nhà hoặc thang nối giữa các tầng nhà hoặc lối ra khẩn cấp như: Lối thoát qua ban công, lối lên sân thượng hoặc lên mái để có khả năng thoát nạn sang các nhà liền kề hoặc khu vực an toàn.
Nhà có tầng sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định. Tại vị trí cửa lên tầng mái nếu có bố trí khóa cửa, phải thiết kế để có thể dễ dàng thao tác mở cửa từ bên trong.
Không xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khỏi tự nhiên. Đối với nhà không có các ô thông tầng hoặc đã lắp kính cần thiết kế, lắp đặt các lỗ cửa thoát khói tự nhiên trong nhà thông qua mái nhà hoặc thoát khỏi trực tiếp ra không gian bên ngoài tại các tầng.
Cửa chính của nhà thoát nạn ra ngoài phải sử dụng cửa có bản lề. Nhà có thiết kế ban công, phải đảm bảo thông thoáng, không được che chắn ban công tạo thành phòng, không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt gây cản trở việc thoát nạn và cứu người khi xảy ra cháy, nổ….
Các gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được ngăn cách với lối ra thoát nạn tại các tầng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy.
Trường hợp tầng 1 (tầng trệt) được sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì lối thoát nạn từ các tầng phía trên xuống thông qua cầu thang bộ tại tầng 1 phải có lối đi an toàn ngăn cách với khu vực sản xuất, kinh doanh bằng tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, chiều rộng lối đi không nhỏ hơn 0,8 m.
Phải thực hiện xong các quy định trước tháng 12/2021
Về thời hạn thực hiện, đối với các nhà ở có sẵn hoặc đã chuyển đổi công năng vừa ở vừa sản xuất kinh doanh trước thời điểm quy định này có hiệu lực; chủ hộ gia đình, hộ kinh doanh phải cam kết thời gian hoàn thành, thực hiện xong các nội dung quy định trên trong thời hạn 6 tháng.
Đối với các nhà ở có sẵn chuyển đổi công năng vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh theo thời điểm quy định này có hiệu lực phải thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trước khi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sau thời hạn trên, nếu chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân cố tình không thực hiện các quy định trên sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại Nghị Định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Cụ thể, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ theo quy định. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho nhà, công trình theo quy định.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn.
Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi Thiết kế, xây dựng cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn không đủ số lượng, diện tích, chiều rộng hoặc không đúng theo quy định.
Hoặc từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi làm mất tác dụng của lối thoát nạn.