TP.HCM số ca nhiễm giảm, ca tăng nặng hồi phục khả quan

TP.HCM số ca nhiễm giảm, ca tăng nặng hồi phục khả quan

Hoàng Văn Việt

Hoàng Văn Việt

Thứ 4, 21/07/2021 12:01

Trong 2 ngày 19/7, 20/7, số ca mắc mới COVID-19 tại TP.HCM đã có dấu hiệu giảm, tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, có 106 bệnh nhân nặng hồi phục.

Tín hiệu vui

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) công bố, từ 18h30 ngày 20/7 đến 6h ngày 21/7, TP.HCM ghi nhận thêm 1.739 trường hợp nhiễm mới (đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 21/7).

Như vậy, đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay), TP.HCM đã có hơn 39.500 trường hợp mắc COVID-19.

Theo HCDC thống kê, trong 2 ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 tại TP.HCM đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn chưa thật sự khả quan. Trong 7 đến 10 ngày tới, đỉnh dịch có đạt được hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và sự đồng hành, chung sức của người dân trong việc thực hiện siết chặt hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đạt được mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”, đó là tinh thần, khẩu hiệu để chúng ta phát huy nhằm đạt được mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. 

Bên cạnh, người dân hãy tuân thủ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, các quy định của khu phong tỏa, khu cách ly và tiêm vắc-xin khi đến lượt mình.

Số ca nặng hồi phục khả quan

Từ khi đi vào hoạt động (26/6) đến nay, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 đặt tại Ký túc xá Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã có 1.712 bệnh nhân được xuất viện.

Tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cũng ghi nhận 106 bệnh nhân nặng đang hồi phục. Đây là tin vui giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất căng thẳng.

TS.BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Bệnh viên Nhân dân 115, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, dù mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng Bệnh viên đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận khi chuyển thành công 106 bệnh nhân nặng về mức độ vừa và nhẹ, có thể chuyển xuống các tầng tháp 2, 3 để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Trong 106 bệnh nhân chuyển nhẹ, có 67 bệnh nhân không cần thở oxy, 39 bệnh nhân còn thở oxy gọng kính.

Theo chiến lược “tháp 4 tầng” trong điều trị COVID-19 tại TP.HCM, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường, được đặt tại khu điều trị nội trú BV Ung bướu cơ sở 2, chịu trách nhiệm điều trị cho các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Đây được xem là chốt chặn cao nhất trong công tác điều trị COVID-19 tại TP.HCM.

Chính trị - TP.HCM số ca nhiễm giảm, ca tăng nặng hồi phục khả quan

Bệnh nhân nặng đang hồi phục.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết: “Quy mô 1.000 giường điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được triển khai theo từng giai đoạn. Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 249 bệnh nhân. Trong tuần này, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, bệnh viện có khả năng tiếp nhận 460 bệnh nhân, tuần kế tiếp sẽ nâng công suất tiếp nhận lên 700 giường và tiếp tục có kế hoạch nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác nhân lực cũng được triển khai tương ứng”.

Được biết, trong giai đoạn hiện tại, bệnh viện hồi sức COVID-19 đang có tổng số 651 nhân viên đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện 71 Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương, các Sở Y tế Phú Thọ và Hải Phòng.

Triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đợt 5

Hiện nay, vắc-xin được nhận định là giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Trong buổi làm việc tại TP.HCM chiều 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có những phân tích về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đợt 5 cho người dân TP.HCM

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Dương Anh Đức cho biết, tổng số lượng vắc-xin được phân bổ đợt này là hơn 930.000 liều gồm 3 loại vắc xin: Astrazeneca, Moderna (235.000 liều) và Pfizer (gần 55.000 liều).

Thành phố sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm tại mỗi phường/xã và bố trí các tổ cấp cứu túc trực tại điểm tiêm để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra, đồng thời cũng triển khai tiêm vắc-xin tại Bệnh viện Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Trong chiều 20/7, vắc-xin đã được chuyển đến Trung tâm y tế các quận, huyện, TP.Thủ Đức và sẽ được Thành phố tổ chức tiêm đợt 5.

Dự tính sẽ có 615 điểm tiêm được tổ chức với số lượng 120 người/ngày/điểm tiêm và có thể tăng lên 200 người/ngày/điểm tiêm. Như vậy, TP.HCM sẽ có thể tiêm xong 930.000 liều vắc-xin trong 2 tuần. Riêng tại các nơi phong tỏa, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm lập tức cho người dân ngay khi gỡ phong tỏa.

Chính trị - TP.HCM số ca nhiễm giảm, ca tăng nặng hồi phục khả quan (Hình 2).

TP.HCM triển khai kế hoạch tiêm vắc xin đợt 5.

Đối tượng được tiêm vắc-xin trong đợt này ưu tiên cho những người người mắc các bệnh nền (bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên, ...).

Đối với vấn đề tiêm chủng trong giai đoạn hiện nay, TP.HCM ưu tiên tập trung vào đối tượng, không tập trung vào vùng tiêm chủng, ưu tiên bảo vệ các “vùng xanh” trước nhằm đảm bảo miễn dịch cho người dân. Khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đợt 5 với nhiều loại vắc-xin được phân bổ, Thành phố cần cân nhắc về việc tiêm trộn hay thống nhất 1 loại vắc-xin.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, người dân không nên so sánh các loại vắc-xin, vì chất lượng tất cả như nhau, được Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá đều có hiệu quả. Việc phân bổ vắc-xin gì cho đối tượng nào phải căn cứ theo khuyến cáo của loại vắc-xin đó. Có loại dùng cho người già, có loại dùng cho người trẻ, …

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.