Rối rắm mua sách giáo khoa
Năm học 2022 – 2023 sắp đến là năm đầu tiên khối THPT bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10. Điều này khiến tình trạng phụ huynh, học sinh tìm mua sách giáo khoa “mỗi nơi một môn” như các năm học trước tiếp tục diễn ra.
Chị Đ.V.M., 40 tuổi, ngụ quận 3, Tp.HCM cho biết: “Tôi mất nguyên buổi sáng ngày 28/7 chỉ để đi mua sách giáo khoa, vì mỗi môn học thuộc một bộ sách giáo khoa khác nhau nên phải chọn mua cho đúng”.
Dựa vào yêu cầu của nhà trường, chị M. và con trai phải chọn đúng sách giáo khoa môn toán và ngữ văn thuộc bộ Chân trời sáng tạo; sách tin học và sinh học thuộc bộ Cánh diều, sách công nghệ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống... nên “rất lo lắng nếu mua nhầm”.
Tương tự, chị T.M.T.T., phụ huynh lớp 10 trường THPT Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, Tp.HCM kể: “Do tính chất công việc nên chưa có thời gian đi mua sách giáo khoa trực tiếp, tôi mất hơn 3 tiếng đồng hồ để tìm và mua sách trên các nền tảng bán hàng trên mạng. Chỉ ngồi tìm trên máy mà cũng toát mồ hôi vì mỗi môn học thuộc một bộ sách giáo khoa khác nhau. Một số đơn vị bán hàng còn cho biết là yêu cầu phức tạp quá, họ phải lấy sách ở nhiều kho khác nhau nên không thể giao ngay được”.
Cuối cùng, chị T. phải đặt 4 đơn hàng khác nhau. Trong đó, có một đơn hàng mua được 2 cuốn sách hóa học và giáo dục thể chất ở tận Tp.Cần Thơ, phí vận chuyển là 60.000 đồng. Chỉ tính phí vận chuyển của 4 đơn hàng mà đã hết hơn 100.000 đồng, chưa kể tiền mua sách giáo khoa.
Vì mục tiêu tốt cho học sinh
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trọng Tấn cho hay, nhà trường đã làm đúng quy trình hướng dẫn của Sở GD&ĐT Tp.HCM khi tổ chức lựa chọn sách giáo khoa từ ý kiến các tổ chuyên môn.
“Sau khi bỏ phiếu bình chọn, các tổ chuyên môn chọn sách thuộc bộ sách nào thì ban giám hiệu nhà trường duyệt theo bộ sách đó. Đây là lý do dẫn đến kết quả mỗi môn học thuộc một bộ sách khác nhau”, ông Cương nói.
Nói về tình trạng này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM phân tích, nhà trường được quyền chọn sách theo bộ môn chứ không nhất thiết phải chọn theo bộ sách.
Quan trọng nhất là tổ bộ môn của trường xác định được bộ sách nào phù hợp nhất với việc giảng dạy của trường ở khối đó để chọn bộ sách phù hợp với năng lực đội ngũ và đặc thù học sinh.
Riêng với giáo viên thì không chỉ dựa vào bộ sách đó để dạy mà có thể tham khảo thêm các bộ sách khác đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, sử dụng làm tư liệu giảng dạy.
Căn cứ trên ngữ liệu của các bộ sách khác để xây dựng bài giảng, mục tiêu làm sao tải được nội dung chương trình đến học sinh và nâng cao năng lực vận dụng cho học sinh, nâng cao năng lực học sinh trong nội dung mà chương trình đề cập.
“Như vậy, học sinh chỉ phải sử dụng một đầu sách chứ không phải mua hết tất cả mọi bộ sách. Còn giáo viên giảng dạy thì ngoài đầu sách được phê duyệt cần tham khảo thêm nhiều bộ sách khác…”, ông Quốc nói rõ.
Đồng thời, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM thừa nhận, điều này phần nào gây khó khăn cho phụ huynh học sinh trong quá trình mua sắm SGK.
“Ngành giáo dục mong muốn nhận được sự chia sẻ và thông cảm của phụ huynh học sinh với nhà trường vì mục tiêu này là tốt nhất cho học sinh. Một nhà sách sẽ bán nhiều bộ sách khác nhau. Hiện giờ khi sách chưa đầy đủ thì có thể phụ huynh học sinh gặp chút khó khăn khi tìm mua. Tuy nhiên, khi sách đã nhiều rồi thì phụ huynh đến nhà sách sẽ dễ dàng chọn được các sách cần tìm”, ông Quốc nói.