Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hai năm trở lại đây đã tăng trưởng nóng về mặt quy mô. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu hiện tượng tăng trưởng nóng như vậy có tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư hay không? Để giải đáp vấn đề này, các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến tại Tọa đàm trực tuyến do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức với chủ đề “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư”.
Dư địa mở rộng cho trái phiếu doanh nghiệp
Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: Thị trường TPDN Việt Nam có bước tăng trưởng đột phá kể từ năm 2016 tới nay. Tính tới cuối năm 2017, quy mô thị trường tài chính Việt Nam đạt khoảng 314% GDP và tăng lên mức 348% GDP vào cuối tháng 6/2021; trong đó, vốn hóa thị trường trái phiếu cũng có nhiều cải thiện.
Dẫu vậy, quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam (bao gồm cả TPDN và trái phiếu Chính phủ) vẫn còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy thị trường TPDN của Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng trong tương lai.
Đáng chú ý, theo TS. Cấn Văn Lực, cơ cấu nhà đầu tư TPDN hiện có rất nhiều vấn đề. Tỷ trọng “gom” TPDN của các tổ chức tín dụng giảm từ 35% năm 2018 xuống 17,4% năm 2019 và lên 25% trong nửa đầu năm 2021. Trong khi đó, tỷ trọng mua của các công ty chứng khoán luôn duy trì ở mức cao 39,4% năm 2018, 44,1% năm 2019 và 44,4% nửa đầu năm 2021.
Ngoài ra, về lãi suất, lãi suất bình quân tăng trong năm 2020 nhưng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021 (còn khoảng 7,9%/năm) và kỳ hạn phát hành TPDN cũng ngày càng dài hơn.
Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, số liệu thống kê cho thấy, rủi ro với TPDN đang tăng lên. Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là không có tài sản đảm bảo, các TPDN còn lại được phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021 có tới 28% TPDN là không có tài sản đảm bảo.
Tăng bất chấp dịch bệnh, tiềm ẩn rủi ro
Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: “Cơ cấu mua TPDN trên thị trường sơ cấp chủ yếu thuộc về công ty chứng khoán, ngân hàng và số ít nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Nhưng, không thể khẳng định được lượng trái phiếu này chỉ nằm yên ổn trong túi công ty chứng khoán và ngân hàng”.
Ông Hiếu chia sẻ thêm, thời gian qua, sự hỗ trợ của các ngân hàng đối với thị trường TPDN Việt Nam rất quan trọng. Họ hỗ trợ về kỹ thuật để các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành. Sau đó, ngân hàng còn hỗ trợ phân phối lượng trái phiếu đó. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp dịch bệnh, lượng TPDN vẫn tăng trưởng rất mạnh.
Hiện người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp vì họ thấy bóng dáng của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu.
Tuy nhiên, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, tức nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay.
Như vậy, phần lớn số trái phiếu còn lại chỉ được bảo lãnh phát hành. Nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại.
"Các ngân hàng chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Điều này đồng nghĩa, rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ", TS.Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Ngoài ra, chuyên gia này còn cho rằng, lượng trái phiếu đang hiện hành chủ yếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Trong khi, cổ phiếu thì biến động theo thị trường. Trường hợp là tài sản bảo đảm khác thì nhà đầu tư cũng không có quyền lực để thu giữ tài sản bảo đảm như ngân hàng. Thậm chí, khi doanh nghiệp bị vỡ nợ, tài sản bảo đảm cũng sẽ phải trả theo thứ tự ưu tiên: Thuế cho Chính phủ; trả lương cho người lao động; trả nợ ngân hàng… gần cuối cùng mới đến người mua trái phiếu.
"Nhìn chung, thị trường TPDN đang tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh Covid-19 khiến doanh nghiệp không thể hoạt động nhưng vẫn đi vay vốn. Và các rủi ro đều đổ dồn vào trái chủ", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings (FiinGroup) khuyến cáo: “Lưu ý với nhà đầu tư, nếu là cổ đông một năm còn được họp một lần, được tiếp cận thông tin kênh đại chúng, còn trái chủ thì tiền bỏ ra 5 năm, 10 năm dài hơn thế nên thiếu minh bạch không có đầy đủ thông tin mà cứ nhìn lãi suất cao để đầu tư thì một ngày tin nhắn điện thoại không "ting ting" nữa, không biết kêu ai".
Ông Thuân cho hay, nếu nhìn nhận 3-5 năm nữa, thì rủi ro cho thị trường tài chính Việt Nam chính là cục nợ trái phiếu này. Hãy nhìn sang Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc, thậm chí người cao nhất của Trung Quốc là Tập Cận Bình cũng tham gia xử lý các vụ vỡ nợ trái phiếu dù quy mô chúng ta nhỏ nhưng với mức 15% quy mô dư nợ toàn hệ thống thì xứng đáng được quan tâm bên cạnh vấn đề khác, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 nhiều doanh nghiệp đứt gãy dòng tiền.
Xếp hạng tín nhiệm TPDN - chìa khóa ngăn chặn rủi ro
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam nhận định: Kênh phát hành TPDN - khơi thông thêm một kênh dẫn vốn giúp doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn của mình. Doanh nghiệp có thể lựa chọn kênh dẫn vốn trái phiếu, với nguồn vốn trung và dài hạn, lãi suất ổn định.
Ông Nguyễn Quang Thuân cũng đồng tình cho rằng, phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển. Đặc biệt thời gian qua nếu không có kênh huy động vốn này thì ngân hàng rất nặng gánh. Tính riêng giá trị trái phiếu đang lưu hành so với dư nợ ngân hàng đạt khoảng 12% nhưng tính trên phần dư nợ trung và dài hạn chiếm khoảng hơn 30%. Điều này cũng có thể hiểu là, qua từng đấy năm nếu kênh này không có thì nhiều doanh nghiệp sẽ khốn đốn, hệ thống ngân hàng gánh nặng, vốn tự có ngân hàng không đáp ứng được…
Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang đang có một sự bất cân đối giữa người bán và người mua. Người bán thường nắm nhiều thông tin hơn nhưng nếu không công bố cho người mua biết thì chất lượng hàng hóa, giá cả có sự sai lệch. Và nếu người mua không nắm được chất lượng có phù hợp với giá cả không, họ sẽ không tham gia thị trường nữa.
Để giải quyết vấn đề bất đối xứng thông tin cần đẩy nhanh xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp. Hiện tại, Việt Nam mới có hai công ty xếp hạng tín nhiệm mới được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là FiinRatings và Sài Gòn Thịnh Phát. Theo quy hoạch trong 10 năm tới, cả thị trường có tối đa 5 công ty xếp hạng tín nhiệm.
Theo vị Chủ tịch của FiinRatings, hiện nhà phát hành trái phiếu "vàng thau lẫn lộn". Một số số doanh nghiệp phát hành lãi suất thấp hơn so với các công ty dự án. Công ty dự án họ có tài sản để thế chấp nhưng trong phương pháp luận cơ bản của xếp hạng tín nhiệm thì tài sản thế chấp không có giá trị nhiều lắm ngoại trừ với ngân hàng phát hành riêng lẻ. Phát hành riêng lẻ cho công ty quỹ, công ty bảo hiểm thì họ không thể làm gì với tài sản thế chấp chưa nói đến nhà đầu tư cá nhân.
Chính vì vậy, vai trò của xếp hạng tín nhiệm là cần thiết bởi nếu mà đầu tư vào trái phiếu niêm yết hay không niêm yết thì ai dám đảm bảo niêm yết trả nợ tốt hơn?Hy vọng xếp hạng tín nhiệm không chỉ giúp thị trường, giúp nhà đầu tư yếu thế, nhỏ lẻ mà giúp cả doanh nghiệp phát hành xây dựng hồ sơ năng lực tín dụng trên thị trường trong nước và quốc tế tốt hơn, hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng chính sách, quy chuẩn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho hợp lý.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, cần phải tận dụng năng lực của hai công ty xếp hạng tín nhiệm hiện nay để có xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp. Xếp hạng tín nhiệm là chìa khóa ngăn chặn rủi ro mua trái phiếu doanh nghiệp.
Phong Linh