Chiến tranh Trăm năm là cuộc chiến đẫm máu giữa 2 thế lực lớn của châu Âu thời Trung Cổ: Anh và Pháp. Ảnh: Jahmani
Chiến tranh Trăm năm (1337 - 1453), là cuộc xung đột lâu dài giữa hai vương quốc lớn nhất Châu Âu thời Trung Cổ - Anh và Pháp - nhằm giành quyền kiểm soát ngai vàng nước Pháp, đồng nghĩa nắm được quyền lực, tài sản và tầm ảnh hưởng khắp Châu Âu.
Hai phe tham chiến chính là hoàng tộc Valois (Pháp) và hoàng tộc Plantagenet (Anh). Cuộc chiến nổ ra xoay quanh việc hoàng tộc Valois tuyên bố là vua của nước Pháp, trong khi hoàng tộc Plantagenet muốn ngai vàng của cả Pháp và Anh phải thuộc về họ.
Trong các trận đánh của Chiến tranh Trăm năm, trận Agincourt (1415) được coi là cuộc giao tranh đáng chú ý nhất, thể hiện bước tiến rõ rệt trong nghệ thuật tác chiến của Anh cũng như ở châu Âu thời kỳ đó.
Trận Agincourt diễn ra ngày 25/10/1415 giữa quân Anh của vua Henry V và quân Pháp của vua Charles VI tại một địa điểm gần làng Agincourt ngày nay, thuộc vùng Hauts-de-France, tỉnh Pas-de-Calais miền bắc nước Pháp.
Trong trận đánh này, quân Anh có khoảng 5.000 binh sĩ, chủ yếu là cung thủ, trong khi bên kia chiến tuyến, quân Pháp có khoảng 30.000 - 100.000 người (con số 30.000 được nhiều nguồn nhắc đến nhất).
Địa hình và thời tiết thuận lợi cho quân Anh bày binh bố trận. Ảnh minh họa: Cranston Fine Arts
Trận chiến diễn ra trên một cánh đồng trống trải, hai đội quân dàn đội hình ở khoảng cách chừng 300m.
Trận tuyến của quân Anh được bố trí trên một cánh đồng bao quanh bởi những khu rừng rậm rạp. Có 2 con đường chạy xuyên qua khu rừng, một dẫn đến làng Agincourt ở bên trái và một dẫn đến ngôi làng nhỏ hơn Tramecourt ở bên phải.
Trước đó, vua Henry (Anh) ra lệnh lập thế trận phòng thủ độc đáo, trong đó kỵ binh phải xuống ngựa, dàn quân phía trước để bảo vệ đội cung thủ trước bộ binh Pháp. Để đối phó với kỵ binh Pháp, vua Henry cho cắm nhiều cọc nhọn phía trước đội hình.
Dù có những lo lắng nhất định, nhà lãnh đạo Anh vẫn đặt nhiều niềm tin vào kỹ năng của các cung thủ. Vị vua Anh hiểu rõ mỗi cung thủ Anh có thể bắn 12 mũi tên mỗi phút, với tầm bắn xuyên áo giáp kẻ địch là hơn 50m. Phạm vi bắn của một trường cung rơi vào khoảng hơn 300m.
Trong khi đó, quân Pháp dàn trận thành 3 hàng lớn với các hiệp sĩ đi kèm mỗi nhóm 40 binh lính. Ở mỗi bên sườn đội hình là các kỵ binh cưỡi ngựa.
Khi trận chiến bắt đầu, cung thủ Anh dùng trường cung bắn như mưa vào đội hình bộ binh Pháp, gây thiệt hại đáng kể cho đối phương. Đội kỵ binh Pháp ở hai bên cánh nhận lệnh xông lên nhằm tiêu diệt đội cung thủ này.
Tuy nhiên, thời tiết ẩm ướt của mùa đông và những cơn mưa khiến chiến trường lầy lội, tốc độ của kỵ binh Pháp bị ảnh hưởng rõ rệt khi ngựa bị sa lầy hoặc trượt trong bùn.
Điều này tạo thuận lợi cho cung thủ Anh tiếp tục trút "mưa tên" vào các kỵ sĩ Pháp bị sa lầy. Mặc dù áo giáp của các kỵ sĩ Pháp giúp bảo vệ họ trước nhiều mũi tên, nhưng những con ngựa của họ lại không may mắn như vậy: Chúng bị trúng tên hoặc té ngã do bùn lầy. Một số kỵ sĩ bị hất văng xuống đất. Những con ngựa không người cưỡi lao vút đi, va chạm với lính bộ binh Pháp đang tiến lên.
Trận "mưa tên" phá nát đội hình kỵ sĩ Pháp, khiến họ hứng chịu thiệt hại nặng nề trước khi tiếp cận được đội hình quân Anh.
Khi áp sát chiến tuyến quân Anh, người Pháp mới thấy cọc nhọn mà người Anh cắm phía trước chiến tuyến nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Kỵ binh Pháp không kịp hãm ngựa. Kết quả là rất nhiều ngựa bị cọc nhọn đâm chết.
Cọc nhọn chôn phía trước đội hình quân Anh khiến kỵ binh Pháp bất ngờ. Ảnh: Peter Jackson
Chứng kiến đội kỵ binh gặp bất lợi, bộ binh Pháp ào ạt xông lên. Nhiều người trong số họ gục ngã dưới làn "mưa tên" khi băng qua quãng đường 300m lao tới quân Anh.
Đội hình của 2 bên dần dần tiến sát lại, đánh giáp lá cà. Đó là lúc quân số quá đông của người Pháp lại trở thành điểm bất lợi với họ.
Theo trang Warfare History Network, quân Pháp đông và dồn vào một chỗ khiến họ không đủ khoảng không để rút gươm hay tung đòn tấn công. Hậu quả, đội quân Pháp bị nghiền nát bởi các binh sĩ Anh và gục ngã trước những mũi tên liên tiếp trút xuống. Họ vỡ trận và tháo chạy dù quân số đông hơn gấp 6 lần đối phương.
Theo thống kê từ Warfare History Network, khoảng 6.000 quân Pháp tử trận, trong khi con số này của quân Anh là khoảng 112-1.600 người.
Nhờ chiến thuật hợp lý, lợi dụng địa hình và sở hữu trường cung, quân Anh đã loại bỏ hoàn toàn ưu thế về quân số của người Pháp và đánh bại đối phương. Trận Agincourt thể hiện bước tiến rõ rệt trong nghệ thuật tác chiến của Anh và được đánh giá là chiến thắng quan trọng góp phần giúp nước Anh giành thắng lợi cuối cùng trước quân Pháp trong Chiến tranh Trăm năm.
----------------------------
Bỏ ngoài tai lời khuyên của đồng minh rồi sau đó lại rơi vào bẫy của đối phương, vị tướng La Mã đã đẩy 20.000 quân vào chỗ chết còn bản thân nhận kết cục bi thảm. Vị tướng này là ai? Đại quân của ông trúng kế đối phương như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi trong bài tiếp theo đăng lúc 10h ngày 27/3.
Nguyễn Thái - (t/h)