Tranh luận “nóng” giảng viên luật có được kiêm nhiệm luật sư?

Tranh luận “nóng” giảng viên luật có được kiêm nhiệm luật sư?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình cũng không ít người phản đối vì cho rằng nó có ít nhiều ảnh hưởng đến sự khách quan của hoạt động tố tụng

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư vừa được đưa ra thảo luật tại kỳ họp thứ ba, QH Khóa XIII. Đa số các đại biểu thì bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt luật sư ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Số lượng luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%, số luật sư so với dân số còn thấp (1 luật sư/12 000 người dân), tỷ lệ các vụ án hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình có luật sư tham gia còn thấp. Một trong những nội dung nóng được các đại biểu quan tâm, mổ xẻ và đưa ra nhiều luồng ý kiến trái chiều chính là quy định cho phép viên chức đang lam công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm thêm nghề luật sư.

Nhịp sống - Tranh luận “nóng” giảng viên luật có được kiêm nhiệm luật sư?

Ảnh minh họa

Đang lãng phí chất xám

Trao đổi với Người đưa tin, ông Nguyễn Văn Bốn - phó vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp cho biết thì trước kia, khái niệm công chức và viên chức được hiểu chung chung do luật quy định không rõ ràng. Nhưng từ khi Luật cán bộ, công chức (năm 2008) và Luật viên chức (năm 2010) có hiệu lực thì hai khái niệm này có thể phân biệt được rạch ròi. Điểm khác biệt giữa công chức và viên chức đó là chế độ hưởng lương và giờ làm việc. Công chức được hưởng lương từ ngân sách của Nhà nước, giờ làm việc hành chính. Viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, giờ làm việc tùy theo yêu cầu, tính chất công việc. Dựa trên những quy định này, Bộ Tư pháp đã cân nhắc để đưa đề xuất nêu trên. Cũng theo ông Bốn, trước yêu cầu toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là kiến thức pháp luật quốc tế, kinh nghiệm hành nghề trong môi trường quốc tế, đội ngũ luật sư có trình độ ngoại ngữ và hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại. Việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật nghề luật sư vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ. Hiện tại Việt Nam đang rất thiếu luật sư về mặt số lượng, chất lượng. Để đáp ứng kịp với nhu cầu của xã hội, rất cần đến luật sư chuyên nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong các mối quan hệ xã hội. “Vì vậy đối với những viên chức đang giảng dạy pháp luật mà không được hành nghề luật sư, tự chúng ta đánh mất đi khối lượng chất xám lớn. Nhất là khi xảy ra tranh chấp thương mại quốc tế. Sự kiện tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và Mỹ về cá Basa là một minh chứng. Hơn nữa, tham gia luật sư cũng là cơ hội để đội ngũ giảng viên cọ xát với thực tế, tránh tình trạng chỉ biết truyền đạt kiến thức quá sách vở , ông Bốn phân tích.

Đồng tình với quan điểm của Bộ Tư pháp, luật sư Mai Bích Ngân, Công ty luật sư số 5, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng: “Để phát triển số lượng luật sư đến năm 2020 lên 18.000- 20.000 như mục tiêu đặt ra thì cần cho phép viên chức có đủ điều kiện theo quy định được hành nghề luật sư. Dự thảo của Bộ tư pháp đưa ra, mới đây rất được Liên đoàn Luật sư Việt Nam ủng hộ. Vì vậy, việc xem xét cho phép giảng viên đang giảng dạy ngành luật được kiêm nhiệm thêm nghề luật sư là vô cùng cần thiết. Tận dụng chất xám của đội ngũ các giảng viên luật sẽ đóng góp vô cùng quan trọng trong việc nâng cao các dịch vụ pháp lý. Các giảng viên là những người vừa có trình độ, kiến thức pháp luật chuyên sâu, vừa đảm bảo các kỹ năng lý luận, tranh tụng, lại có trình độ ngoại ngữ tốt”.

Còn Luật gia Nguyễn Hải, hiện là phó đoàn kịch nói Công an nhân dân lại cho rằng: “Trên thực tế, luật sư có hai loại (luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn). Hiện tại, nhiều người là viên chức vẫn tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của luật sư (tham gia vào quá trình tố tụng đối với những vụ việc dân sự, thương mại...) với tư cách là người đại diện theo ủy quyền. Điều này không hề vi phạm pháp luật. Đối với Luật sư tranh tụng tại tòa, pháp luật quy định, phải có chứng chỉ hành nghề luật sư (Luật Luật sư năm 2006). Vì vậy, cần quy định rõ giữa hai lĩnh vực này, trước khi bàn đến chuyện có cho viên chức ngành nghề luật sư hay không?”.

“Vừa đá bóng vừa thổi còi”

Tuy nhiên đề xuất của Bộ Tư pháp lại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia. Có ý kiến lại cho rằng không nên cho phép viên chức hành nghề luật sư. Vì điều này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động luật sư; tạo ra một bộ phận luật sư - viên chức không chuyên tâm vào công việc; không chuyên nghiệp hóa nghề luật sư như định hướng của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, đã đưa ra và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiến sĩ luật Nguyễn Thị Mai Nga, VKSNDTC cho rằng: “Là viên chức hay công chức đều phải làm việc theo giờ hành chính. Nếu tham gia hành nghề luật sư sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ công việc mà viên chức đó đang làm. Ví dụ như đi gặp bị can, bị cáo đều phải làm vào giờ hành chính. Do đó, nếu được phép hành nghề hoặc kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng tới công việc chính.”

Một luồng ý kiến khác cho rằng công chức đương nhiên không được phép hành nghệ luật sư, theo quy định của luật. Còn đối với viên chức thì phải phân định rõ: Viên chức có ảnh hưởng trực tiếp tới khối tư pháp và viên chức không có tính liên quan. Ông Nguyễn Quốc Hội, chánh văn phòng TAND TP. Hà Nội cho biết: “Hoạt động của luật sư không chỉ tranh tụng và tư vấn, mà còn bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Những viên chức không có tính liên quan đến khối tư pháp có thể hành nghề luật sư rất tốt, phù hợp với các quy định. Họ nắm chắc luật pháp, am hiểu kiến thức chuyên ngành, đặc biệt là tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, có thể giúp ích rất nhiều khối doanh nghiệp.

“Theo tôi, các viên chức giảng dạy trong ngành luật thì không nên được hành nghề luật sư. Bởi phần lớn trong số họ từng là thầy của nhiều thẩm phán, kiểm sát viên. Khi xét xử một vụ án, liệu học trò có bị chi phối nếu các thầy của mình đang tham gia tranh tụng với vai trò luật sư. Đối với một quốc gia vốn tôn sư trọng đạo như Việt Nam, điều này là không tránh khỏi. Đồng ý để viên chức trong ngành luật được phép hành nghề luật sư chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Mặt khác người dân cũng nên trang bị kiến thức về luật, để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chứ không hẳn dựa hoàn toàn vào luật sư”, ông Hội nói.

Chuyên gia nói gì?

Tình cảm không lấn át trách nhiệm công vụ: giáo sư, tiến sĩ Lê Minh Tâm, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam

Tôi cho rằng đây là một trong những quan điểm mở, để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Với đề xuất của Bộ Tư pháp, tôi hoàn toàn ủng hộ. Viên chức cũng có rất nhiều loại và bản thân họ tự lựa biết chọn cho mình một công việc phù hợp. Có ý kiến cho rằng, nếu cho các viên chức giảng dạy ở trường luật hành nghề luật sư sẽ không khách quan vì thầy làm luật sư, trò ngồi nghế thẩm phán, kiểm sát. Điều đó, theo tôi không đáng lo ngại. Những giảng viên, thẩm phán, kiểm sát viên, họ là những người có ý thức pháp luật cao về mặt lý luận và nghề nghiệp. Tình cảm không thể nào lấn át được trách nhiệm công vụ.

Nghề luật sư khó kiêm nhiệm: luật sư Bùi Đình ứng (trưởng VP Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư Hà Nội)

Quy định như dự thảo là một bước thụt lùi so với hiện hành. Hiện nay, Luật Luật sư và các văn bản pháp luật có liên quan đều không thừa nhận việc kiêm nhiệm đối với người hành nghề luật sư. Bởi việc kiêm nhiệm làm cho tính chuyên môn hóa, tập trung đầu tư cho nghề bị dàn trải, hiệu quả không cao. Công tác giảng dạy pháp luật đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian để vừa đảm bảo thời lượng giảng dạy vừa đủ số lượng đề tài nghiên cứu khoa học. Nếu cho giảng viên được hành nghề luật sư chẳng những ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà việc hành nghề luật sư cũng bị ảnh hưởng. Có những phiên tòa tôi tham gia, kéo dài đến vài tuần. Nếu là một giảng viên kiêm nhiệm thì liệu có đủ thời gian tham gia, quyền lợi của thân chủ liệu có bị ảnh hưởng

Không cấm công chức hành nghề luật sư: luật sư Mai Bích Ngân, Đoàn luật sư Hà Nội

Căn cứ theo tính chất, vị trí công việc của viên chức, tôi thấy nên cho phép họ được hành nghề luật sư nếu đáp ứng đủ điều kiện. Nếu vì làm việc này mà bị ảnh hưởng đến việc kia, thì họ hoàn toàn có quyền lựa chọn sẽ phải đầu tư vào lĩnh vực công việc nào tiềm năng hơn. Đối với những người là công chức, được bổ nhiệm hoặc tuyển dụng vào những vị trí theo ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng, Nhà nước... được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nằm trong biên chế, phải chịu trách nhiệm cao trong công tác quản lý hành chính thì đương nhiên không được hành nghề trong lĩnh vực hoạt động của luật sư.

Lấp được khoảng trống lý luận và thực tiễn: Theo luật gia Nguyễn Hải (Đoàn kịch nói Công an nhân dân)

Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu không cho phép viên chức được hành nghề luật sư thì chúng ta đang lãng phí một nguồn lực rất lớn về chất xám và kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung vào lực lượng luật sư tiềm năng của đất nước. Mặt khác, các giảng viên luật tuy có trình độ , kiến thức pháp luật nhưng chủ yếu là về mặt học thuật, đa số còn thiếu kiến thức thực tiễn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến việc giảng dạy, học tập và thực tế có một khoảng cách nhất định. Nếu cho phép viên chức là giảng viên luật được kiêm nhiệm luật sự thì những khiếm khuyết này sẽ được khắc phục.

Bỏ rồi...lại đưa vào

Trước đó, tại phiên họp cho ý kiến của ủy ban Thường vụ Quốc hộị, nhiều đại biểu đã lên tiếng phản đối đề xuất này. Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, nếu cho phép việc này thì sẽ tạo ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là giảng viên tham gia tố tụng. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng: Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 và Pháp lệnh Luật sư năm 2001 cho phép công chức, viên chức làm công tác giảng dạy được phép hành nghề luật sư. Đến khi làm Luật Luật sư năm 2006, Quôc hôi đã cân nhắc và quyết định không đưa vấn đề này vào, dẫn đến việc những đối tượng kiêm nhiệm này buộc phải từ bỏ một trong hai vai. Giờ đưa lại vấn đề này vào dự thảo sửa đổi luật liệu có phù hợp.

Lương Liễu