Anh Huang Yulong không bao giờ muốn có con. Ngay từ khi còn nhỏ anh đã không cảm nhận được hơi ấm của gia đình khi cha mẹ đi làm ăn xa để Huang Yulong cô đơn một mình sống nhờ người thân. Chính vì nỗi buồn ấy mà anh chưa bao giờ mặn mà với chuyện lập gia đình, sinh con. Người đàn ông không muốn quá khứ ấy phải lặp lại.
Thực tế phũ phàng
Chính vì vậy, ở tuổi 26, anh lựa chọn thắt ống dẫn tinh. Huang Yulong, sinh sống ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc cho biết: "Đối với thế hệ chúng tôi, sinh con không phải là điều cần thiết. Bây giờ chúng tôi có thể sống mà không có bất kỳ gánh nặng nào. Tại sao chúng ta không được yêu bản thân mình nhiều hơn chút?".
Người đàn ông gần 30 tuổi này đang phấn đấu đi theo lối sống: "Thu nhập gấp đôi, không có con cái" hay còn được viết tắt là DINK. Nó đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước nhưng trong thời gian gần đây thì trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, nơi chi phí ngày một gia tăng, kinh tế mỗi lúc một khó khăn khiến giới trẻ trốn tránh việc làm cha mẹ.
Anh Huang Yulong đã lựa chọn việc không sinh con vì áp lực kinh tế.
Nhiều người trẻ tại đất nước tỷ dân cho biết giá nhà đất tăng và cạnh tranh trường học khốc liệt khiến họ không nghĩ đến việc sẽ sinh một đứa trẻ. Một số cặp vợ chồng chỉ sinh một con để nuôi dạy cho tốt trước gánh nặng cơm áo gạo tiền, trong khi số khác hoàn toàn nói không với con cái.
Lối sống DINK đi ngược lại với nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng dân số của Trung Quốc. Bắc Kinh đã sửa đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép mỗi cặp vợ chồng có ba con thay vì hai như trước. Chính sách này nhằm khuyến khích các gia đình trẻ sinh thêm con, nhưng những người đàn ông như Huang vẫn một mực nói không với con cái. Nhiều người thậm chí đã sử dụng các phương pháp triệt sản để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn.
Triệt sản là điều cấm kỵ
Quyết định thắt ống dẫn tinh của anh Huang có vẻ cực đoan. Tuy nhiên, từ lâu, các nhà nhân khẩu học đã cảnh báo rằng số lượng người Trung Quốc chọn không sinh con ngày càng tăng. Huang, người kiếm được 630 USD (14,8 triệu đồng)/tháng từ công việc sửa điện thoại di động, cho biết phần lớn quyết định của anh liên quan đến câu chuyện trong quá khứ.
Cha mẹ anh là công nhân nhà máy ở tỉnh Quảng Đông và hiếm khi trở về quê nhà ở Hồ Nam để thăm anh. Họ gần như không có thời gian để quan tâm và chăm sóc cho đứa con duy nhất của mình. "Nếu tôi kết hôn và sinh con, tôi vẫn thuộc tầng lớp trung lưu. Đến một lúc nào đó, khi thiếu tiền, tôi cũng có thể bỏ con lại ở quê giống như cha mẹ đã làm. Nhưng tôi không muốn điều đó xảy ra", Huang trải lòng.
Trên thực tế, anh cũng từng trải qua một mối tình. Cô gái sẵn sàng muốn kết hôn và sinh con cho anh nhưng Huang rất phân vân. Cuối cùng, anh đã chia tay cô gái đó. Vào tháng 6/2019, Huang đến một bệnh viện ở Quảng Châu để thắt ống dẫn tinh. Anh mô tả cuộc tiểu phẫu đó như một món quà sinh nhật cho chính mình.
Nhiều đàn ông Trung Quốc không nghĩ đến chuyện kết hôn, sinh con vì thiếu tài chính ổn định.
Người đàn ông chưa lập gia đình mà lựa chọn triệt sản là điều cấm kỵ trong một xã hội còn giữ nhiều nét cổ xưa ở Trung Quốc. Tại nhiều thành phố, bác sĩ yêu cầu phải có giấy chứng nhận kết hôn và sự đồng ý của bạn đời thì mới tiến hành triệt sản. Trong trường hợp của Huang, anh đã tìm cách nói khéo để bác sĩ làm phẫu thuật.
Jiang, huấn luyện viên cá nhân 29 tuổi ở tỉnh Phúc Kiến, cho biết anh đã cố gắng thắt ống dẫn tinh ở khoảng 6 bệnh viện và đều bị từ chối. Lý do là chàng trai này không thể cung cấp "giấy chứng nhận kế hoạch hóa gia đình", một tài liệu chính thức nêu rõ tình trạng hôn nhân và số con của một người.
Vào tháng 3, Jiang cuối cùng đã tìm thấy một bệnh viện ở thành phố Thành Đô có cung cấp dịch vụ phẫu thuật. Jiang nói rằng anh muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người về cuộc phẫu thuật cũng như quan niệm sai lầm rằng thắt ống dẫn tinh sẽ khiến đàn ông trở nên ẻo lả.
Trung Quốc hiện có số lượng người độc thân lớn nhất thế giới. Năm 2018, quốc gia này có khoảng 240 triệu người chưa kết hôn, chiếm khoảng 17% tổng dân số. Về phần Huang, anh chia sẻ kế hoạch nghỉ hưu của mình là di cư đến Iceland hoặc New Zealand, những quốc gia có hệ thống an sinh xã hội tương đối tốt thay vì gánh áp lực phải nuôi dưỡng những đứa trẻ trong thời buổi giá cả leo thang, kinh tế bấp bênh.
Ngọc Linh