Trẻ em áp lực vì bị nhồi nhét học hè

Trẻ em áp lực vì bị nhồi nhét học hè

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Cô gái có nickname Quỳnh Anh không ngớt dùng những lời lẽ thậm tệ trên Facebook để chửi bố mẹ và bà ngoại chỉ vì dám ép cô học hè và làm việc nhà.

Học hè là mối quan tâm thường trực từ trước đến nay của học sinh và các bậc phụ huynh. Nhưng, câu chuyện tưởng chừng như bình thường ấy lại bị đẩy lên tới đỉnh điểm khi mới đây, có một học sinh, lên Facebook dùng những lời lẽ khá nặng nề, thậm chí là thiếu đạo đức phản đối việc cha mẹ, ông bà bắt đi học thêm hè.

Chẳng ai đồng tình, hưởng ứng, nếu không nói là bất bình về đứa con hư mắng mẹ, chửi cha này. Nhưng điều khiến người ta suy ngẫm nhiều hơn chính là câu chuyện về dạy thêm, học thêm mỗi dịp hè. Tại sao ở các thành phố lớn, thay vì cho con vui chơi giải trí, nghỉ ngơi mỗi dịp hè, các bậc phụ huynh lại luôn tìm cách nhồi nhét cho con đủ “mớ” kiến thức nặng nề

Xã hội - Trẻ em áp lực vì bị nhồi nhét học hè

Nhiều bậc phụ huynh không chỉ bắt con luyện chữ mà còn học các môn năng khiếu (Ảnh minh họa)

Học hè sợ hơn học chính

Như em P.T.N (ở cư xá Cửu Long, phường 22, quận Bình Thạnh) được bố mẹ lên một lịch học dày đặc. Thứ ba, năm, bảy học ở thêm văn, toán; còn thứ tư, thứ sáu học Anh văn với thầy riêng tại nhà; thứ hai và chủ nhật em học thêm Anh văn ở trung tâm.

Mẹ N. cho biết, vì muốn con thi vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa nên phải luyện cho cháu như thế. "Học như vậy là bình thường. Hè không học ở trường nên chương trình đã nhẹ lắm rồi. Năm tới lên lớp 5, sắp thi chuyển cấp, không lo luyện trước sẽ thi không nổi", mẹ N. nói.

Cháu M.G.T (cư xá Cửu Long, phường 22, quận Bình Thạnh) cũng phải nhăn mặt khi nhìn thời khóa biểu: "Qua năm em lên lớp 5, em không thích đi học hè, chỉ muốn đi tắm biển, đi sở thú chơi. Thế nhưng vẫn phải đi học thêm theo lời ba mẹ".

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sự hiểu biết của gia đình trong việc học thêm là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh phải hiểu được khả năng của con để có kế hoạch học tập hợp lý cho trẻ. Nếu chỉ học rồi xem tivi, đọc sách báo, chơi game, cơ thể ít hoạt động, trẻ sẽ mệt mỏi và dễ bị stress.

Học sinh tiểu học, thường ít có phản ứng thái quá về chuyện bố mẹ bắt đi học hè, bởi các em còn nhỏ, hoàn toàn nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ. Nhưng đối với các em lớn hơn, câu chuyện học thêm đôi khi trở thành áp lực thực sự. Status được đăng tải trên facebook với những lời lẽ miệt thị bà ngoại thậm tệ đã khiến cộng đồng facebook phẫn nộ mới đây là một ví dụ điển hình.

Được biết, Status hỗn láo đó của cô gái có nickname Quỳnh Anh ở gần khu vực Kim Mã, Hà Nội này nhanh chóng được gửi đi khắp các diễn đàn mạng ngay khi được chủ nhân update. Theo như "tâm sự", Quỳnh Anh bị bà và bố mẹ bắt học, nấu cơm, lau nhà. Do không hợp với bà ngoại và cho rằng bị bà "chim lợn" với bố mẹ, nữ sinh ấy trút giận bằng những lời lẽ hỗn xược. Cô gái gọi bà và bố mẹ là "chúng mày" và xưng "tao" hoặc "bố mày".

Trong Facebook, Quỳnh Anh còn viết: "Nghỉ hè bắt người ta học thì làm sao mà học được?. Ai chả thích đi chơi. Cấm được bố mày à. Chúng mày lúc nào chả học với làm việc nhà”. Để status thêm phần "chợ búa", Quỳnh Anh không ngại dùng những từ đệm bậy bạ. Cuối status, cô nàng còn viết hoa chữ "bà ngoại" để nhấn mạnh sự bực tức của mình.

Đọc được những dòng trên Facebook, bên cạnh việc bất bình với đứa con gái hư nói trên, nhiều người cho rằng đã đến lúc các bậc phụ huynh phải nhìn nhận lại việc ép con cái học thêm. Ép trẻ học mà không tìm hiểu sở thích, nguyện vọng của các em là một sai lầm lớn. Chỉ chăm chăm nhồi kiến thức mà không chú ý đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các em thì kết quả cuối cùng, sẽ chỉ tạo ra những “sản phẩm” như bạn học sinh có nickname Quỳnh Anh nói trên.

Biến cô thành “bảo mẫu”

Phụ huynh Hoàng Thùy Ngân (Hà Nội) chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng đi làm từ sáng đến tối mới về. Nhà lại không có ông bà hay người giúp việc nên đành phải tìm cách cho con đi học hè. Đến nhà cô, vừa học thêm được kiến thức lại vừa có người quản lý, không phải lo lắng nhiều thứ. Có lẽ với hoàn cảnh của chị Ngần, suy nghĩ như vậy chẳng có gì là không phải. Chị giống như nhiều gia đình công nhân viên chức khác ở các thành phố lớn, mong muốn kiếm chỗ học cho con để giải quyết mối lo tìm người trông…trẻ.

Nắm được nhu cầu của các bậc phụ huynh, những khẩu hiệu "Khám phá những điều mới lạ", "Phát triển tư duy vượt trội", "Giáo viên bản ngữ, có trình độ", vừa học vừa chơi bổ ích liên tục được giới thiệu tại các trường từ mầm non đến THPT. Chị Trần Bích Thúy (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Trước khi con nghỉ 1 tuần, vợ chồng tôi đã đến tất cả những trung tâm, nhờ người hỏi giúp lớp học ở nhà riêng của cô giáo để đi đến quyết định cho con học hè ở đâu.

Theo chị Thúy, học ở các trung tâm, người ta không thể quản lý các cháu sát sao. Hơn nữa, cứ đúng giờ lại phải đến đón con nên rất khó đối với những người có công việc, giờ giấc thất thường như chị. Học ở nhà riêng của cô thì không phải lo việc quản lý. Đặc biệt, trong quá trình học, chẳng may cháu có vấn đề gì như sốt, ốm đau, cô còn kịp thời thông báo.

Tuy nhiên, học hè ở nhà cô có một hạn chế là các cháu không có điều kiện phát triển năng khiếu toàn diện, không được học những môn học ngoại khóa như bơi, múa, võ thuật, nhạc như học ở các trung tâm. Nhưng đây vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các bậc phụ huynh chỉ coi chuyện tìm nơi học hè giống như tìm nơi trông trẻ”, chị Thúy chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Không ít trung tâm học thêm hè thực hiện chiêu bài “treo đầu dê bán thịt chó”. Năm ngoái, tin vào các tờ rơi quảng cáo, tôi cho con đi học ở một trung tâm cam kết là có 100% chuyên gia bản ngữ, nhưng khi con học, tôi mới phát hiện, cô giáo thực chất đang là sinh viên ngoại ngữ, chưa tốt nghiệp. Vì vậy, năm nay tôi phải mất công tìm hiểu kỹ để khỏi bị lừa”.

H.Anh - L.Tuấn- L. Na