Miền sau cánh cửa của Trần Nhật Minh dày 252 trang, gồm 38 tác phẩm, có tản văn, tùy bút, có khi là tản văn, tùy bút pha phóng sự, ghi chép, báo chí, tóm lại, về thể loại, ai hiểu thế nào tùy ý. Gót chân chàng “lãng tử ba lô” vốn ưa quan sát, lắng nghe những nhịp đời bình dị, những khơi nhen lửa ấm tình đời đưa ta chạm tới nhiều sự chuyện, miền đất, con người, chạm tới “xa xôi trong miền ký ức”... (“Phố hướng về sông”, “Những chặng dừng sương giá”, “Đời phà”, “Những chuyến xe đò”, “Gió reo vườn cũ”….).
Đọc Miền sau cánh cửa của Trần Nhật Minh, tôi thích nhất những trang anh viết về kỷ niệm, về quá khứ: một ngọn khói, một ngôi làng, chút thoáng giêng hai, một Hà Nội xa xăm đẹp đẽ (“Miền sau cánh cửa”, “Mùa đông thương nhớ”, “Sách mọt”, “Bình dị Hà Nội”, “Phở Hà Nội”, “Bia đầu ô”, “Long nhong tháng Giêng”, “Đi qua mùa sen ồn ã”, “Làng”, “Mang mang mùi khói”, “Mùi của Tết”, “Thao thiết tháng năm”…).
Xa lạ với lối văn chương kỹ thuật vốn dĩ nhạt phai nỗi niềm nhân tâm thế sự, Miền sau cánh cửa của Trần Nhật Minh chạm sâu vào trái tim và câu chuyện tâm thức của nhiều người để khơi gợi niềm thích thú, đồng điệu, say mê. Đó là lý do để nói, đọc Miền sau cánh cửa của Trần Nhật Minh, vừa thấy ấm áp, bâng khuâng, phiêu lãng, vừa đâu đó lại thấy nhói lên nỗi xót xa về những khuất khúc phận người.
Văn Trần Nhật Minh đẹp, tinh tế, cổ điển, phảng phất buồn, đôi khi tựa hồ tiếng chuông trong gió thoảng. Người trần thuật trong Miền sau cánh cửa của Trần Nhật Minh có một “tâm hồn nức nở”, thính nhạy lắng nghe, luôn mang mang tiếc thương những ngày tháng cũ, tiếc thương cái đẹp rạn vỡ bởi thời gian. Trên một ý nghĩa nào đó, có thể nói, “nhân vật” hay nhất của Miền sau cánh cửa là những dòng tâm trạng.
Trần Nhật Minh là người ưa đi nhịp chậm. Anh tuyệt nhiên không làm dáng chữ nghĩa. Đọc tản văn Trần Nhật Minh, có cảm giác như đang xem những thước phim đen trắng hay những bức họa với mảng màu trầm. Ở đâu, anh cũng chăm chú vớt nhặt kỷ niệm, vớt nhặt những niềm vui bé nhỏ của cuộc đời.
Một Hà Nội xưa cũ, hanh hao, ẩn khuất.
Câu kinh cuối mùa đông.
Tháng Giêng xa xăm thương nhớ…
Tôi quen biết với Trần Nhật Minh chưa lâu, cũng là nhờ duyên bè bạn. Qua câu chuyện chạm nhẹ chút nhân tình, tôi cảm nhận được đằng sau sự xù xù gai góc kia là một người đàn ông tinh tế (và hẳn rồi, ở tuổi này, thật không dại và cũng không dễ để ai đó mở lòng).
Trần Nhật Minh ngoài đời lấy chữ nghĩa làm nhân duyên, lấy ly rượu bày cuộc vui, lấy sự chân tình làm bè bạn. Trong văn chương, anh khiêm nhường chọn “miền sau cánh cửa” để chạm khắc niềm thương nhớ và những khắc khoải khôn khuây về cái cõi đời, cõi người vừa đẹp đẽ, vừa khốn khó lao lung này.
Khiêm nhường, mà vẫn có nét kiêu riêng./.
Phùng Gia Thế