Một số chuyên gia cho rằng việc Ukraine trở nên trung lập và không tham gia NATO có thể có lợi cho an ninh khu vực.
Trong nhiều năm, Ukraine đã mong muốn gia nhập NATO, một động thái được cho là sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của họ. Tuy nhiên, cơ hội trở thành thành viên của liên minh này vẫn rất mỏng manh, ngay cả khi cuộc xung đột đang tàn phá đất nước thuộc Liên Xô cũ.
Theo Al Jazeera, Nga đã bác bỏ các cáo buộc của phương Tây rằng họ muốn gây ảnh hưởng đến Ukraine, và tuyên bố mong muốn chính của Moscow là Ukraine trở thành một quốc gia trung lập, một quốc gia vùng đệm và không thuộc NATO.
Sau nhiều tháng căng thẳng, ngày 24/2, Nga đã bắt đầu một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Cuộc xung đột leo thang thành hành động quân sự với những cuộc giao tranh ác liệt đã khiến viễn cảnh về một Ukraine trung lập trở nên dễ hình dung hơn.
Ý nghĩa của tính trung lập
Kể từ năm 2019, việc gia nhập NATO đã được ghi trong hiến pháp Ukraine. Đó là lý do tại sao Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hồi đầu tháng 3 với Reuters, đã đề cập đến việc Ukraine nên sửa hiến pháp để đảm bảo tính trung lập.
"Họ nên sửa đổi hiến pháp, theo đó Ukraine sẽ bác bỏ bất kỳ mục đích gia nhập bất kỳ khối liên minh nào", ông Peskov cho biết.
Sau vài tuần xảy ra xung đột, Ukraine dường như không còn “tha thiết” với việc xin gia nhập NATO, và họ cũng không loại trừ việc thảo luận về tính trung lập của đất nước trong các cuộc đàm phán với người Nga.
Theo luật quốc tế, một quốc gia trung lập có nghĩa vụ đảm bảo không can thiệp vào các cuộc xung đột quân sự của các quốc gia thứ ba.
Một số ví dụ tiêu biểu về quốc gia trung lập có thể kể đến là Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ireland, Phần Lan và Áo, trong đó Thụy Sĩ duy trì mô hình "trung lập có vũ trang" nhưng không triển khai quân đội ở nước ngoài.
Trong khi đó, 4 quốc gia sau (Thụy Điển, Ireland, Phần Lan và Áo) là các quốc gia trung lập nhưng đồng thời là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Mặc dù EU có chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng chung, khối này vẫn có các điều khoản về chọn không tham gia (opt-out) để tránh tình trạng bế tắc tổng thể.
Theo ông Fotios Moustakis, Phó Giáo sư về Chiến lược Học tại Đại học Plymouth (Anh), việc Nga khẳng định không muốn ảnh hưởng đến Ukraine là khá khó tin.
“Kể từ năm 2008 và sau Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest (Romania), Nga đã thể hiện rõ ràng quan điểm của mình với phương Tây rằng, Ukraine sẽ không được phép thoát khỏi quỹ đạo và ảnh hưởng của Nga”, ông Moustakis nói với Al Jazeera.
“Nga công khai và nhất quán tuyên bố rằng, Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest tháng 4/2008, trong đó xác nhận rằng Georgia (Gruzia) và Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO, là một sai lầm chiến lược to lớn và đe dọa trực tiếp đến lợi ích chiến lược cốt lõi của Nga”, vị chuyên gia này cho biết.
Nhưng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine “không phải là để thiết lập lại Đế chế Xô Viết 2.0”, ông cho biết thêm. “Đó là nhằm đảm bảo những gì được coi là sống còn đối với các lợi ích chiến lược của Nga”.
Ông Moustakis cho rằng, nếu các lợi ích của Nga không được phương Tây xem xét, tất nhiên ông Putin sẽ phải hành động.
“Trung lập là “liều thuốc chữa bách bệnh” để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, và mô hình của Phần Lan là một ví dụ hợp lý cho bước đi tiếp theo”, ông Moustakis nói.
Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi về ý nghĩa của tính trung lập đối với Ukraine, bà Katharine AM Wright, giảng viên cao cấp về chính trị quốc tế tại Đại học Newcastle (Anh), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera.
“Một Ukraine trung lập sẽ không còn là một đối tác của NATO, trong khi các quốc gia trung lập khác, đặc biệt là Phần Lan và Thụy Điển, hiện vẫn là đối tác của NATO”, bà Wright nhận định.
Theo bà, cách thức hợp tác với NATO như vậy, cho dù không chắc chắn được hiện thực tới cỡ nào, vẫn là “lằn ranh đỏ” đối với ông Putin.
Đơn giản là đối với ông Putin, Ukraine khác hẳn với Phần Lan hay Thụy Điển. Ukraine có những mối liên hệ về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ với Nga mà 2 quốc gia Bắc Âu kia không có, theo bà Wright.
Giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện tại?
Câu hỏi cấp bách nhất hiện nay là liệu tính trung lập có thể mang lại hòa bình cho Ukraine hay không.
“Một Ukraine trung lập sẽ cần tìm kiếm các mối quan hệ an ninh bên ngoài NATO để ngăn chặn các nguy cơ xung đột khác trong tương lai. Ukraine có thể sẽ tìm đến các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, như Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ, để tìm kiếm đảm bảo an ninh”, bà Wright nhận định.
Nhìn chung, các chuyên gia dường như đều đồng ý rằng trở nên trung lập là con đường phía trước cho Ukraine.
Ví dụ, ông Pascal Lottaz, Phó Giáo sư về Nghiên cứu Trung lập tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Waseda ở Tokyo (Nhật Bản), và ông Nasir A Andisha, Đại sứ và Đại diện Thường trực của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc tại Geneva, cho rằng việc Ukraine trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn là cách thực tế nhất để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và tái đảm bảo an ninh cho châu Âu trong nhiều thập kỷ tới.
Theo 2 vị chuyên gia này, trung lập vĩnh viễn là một giải pháp rất châu Âu cho một vấn đề rất châu Âu: Các mối đe dọa địa chính trị lẫn nhau. Thụy Sĩ đã bị vô hiệu hóa bởi các cường quốc vào năm 1815 để giữ Áo và Pháp cách xa nhau. Bỉ và Luxembourg sau đó được vô hiệu hóa để tạo khoảng đệm giữa Pháp và Đức. Và Áo bị vô hiệu hóa vào năm 1955 để nước này giành lại độc lập của mình mà không trở thành một thành viên NATO khác có thể đe dọa Liên Xô hồi đó.
Điều này hiệu quả vì các quốc gia vùng đệm trung lập làm giảm bớt tình trạng tiến thoái lưỡng nan về an ninh trong khu vực. Các quốc gia trung lập vĩnh viễn, ngay cả khi họ có quân đội (thực tế là hầu như tất cả các nước này đều đang có), không gây ra mối đe dọa cấu trúc nào đối với các cường quốc.
Đó là lý do tại sao Moscow cũng kêu gọi một Ukraine trung lập.
Ở vào thời điểm cuộc khủng hoảng bắt đầu, Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu NATO đảm bảo Ukraine không trở thành thành viên của liên minh này và các lực lượng NATO tránh xa khỏi các khu vực có biên giới với Nga, Al Jazeera cho biết.
“Các yêu cầu này đã bị các nhà lãnh đạo NATO và Mỹ từ chối”, Graham Gill, Giáo sư danh dự tại Đại học Sydney (Úc), cho biết.
Theo ông Gill, nếu những điều đó được thảo luận một cách thực tế, thì xung đột có thể đã tránh được.
Bà Wright của Đại học Newcastle cũng đồng tình rằng một Ukraine trung lập "có thể là chìa khóa dẫn tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện tại và chấm dứt cuộc tấn công của Nga".
Tuy nhiên, giải pháp này sẽ dựa trên sự nhượng bộ đáng kể của cả 2 bên. Ý tưởng về tính trung lập có thể sẽ là trọng tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào.
“Thông điệp chính của cuộc chiến ở Ukraine là mọi quốc gia nên hoàn toàn dựa vào chính thực lực của mình. Để duy trì hòa bình và ổn định, đôi khi cần phải từ bỏ một số lý tưởng”, ông Moustakis của Đại học Plymouth nhận định.
Ông kết luận: “Tính trung lập không chỉ thực tế mà còn hợp lý và thực dụng".
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Reuters, TRT World)